Theo kế hoạch, ngày 24-11-2012 TPHCM khởi công nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống cảng biển TPHCM.
- Bước ngoặt mới
Hơn một trăm năm trước đây, hệ thống cảng biển Sài Gòn (chủ yếu trên sông Sài Gòn) đã được hình thành. Sự xuất hiện và lớn mạnh của hệ thống cảng này đã có những đóng góp mang tính quyết định cho sự phát triển của thành phố Sài Gòn mà nay là TPHCM. Tuy nhiên, luồng tàu biển của hệ thống cảng Sài Gòn cho đến thời điểm hiện nay là luồng tàu biển đi trên sông Lòng Tàu.
Khởi thủy, những người xây dựng nên hệ thống cảng biển Sài Gòn đã từng nghiên cứu và có ý định đưa Soài Rạp làm luồng chính cho tàu biển ra vào do sông Soài Rạp rất rộng, song do có vài điểm cạn, luồng tàu biển này phải nhường vai trò cho sông Lòng Tàu. Chính vì vậy, sự kiện TPHCM khởi công nạo vét luồng tàu biển đi trên sông Soài Rạp và dần đưa luồng này trở thành luồng tàu biển chính cho hệ thống cảng biển mới của thành phố nằm ở khu vực Hiệp Phước huyện Nhà Bè và mở ra một trang mới cho lịch sử phát triển của hệ thống cảng biển TPHCM.
Theo Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp (giai đoạn 2), toàn tuyến luồng tàu biển trên sông Soài Rạp được nạo vét dài 54km với điểm đầu ở khu vực cảng biển container trung tâm quốc tế Sài Gòn (SPCT) và điểm cuối là biển. Độ rộng của tuyến luồng khác nhau tùy khu vực, từ 120m đến 160m. Độ sâu của tuyến luồng khi hoàn tất là 11,5m. Với độ sâu và chiều rộng luồng như vậy, hệ thống cảng biển TPHCM hoàn toàn có thể đón tàu 50.000 tấn đầy tải và tàu 70.000 tấn giảm tải ra vào, so với luồng trên sông Lòng Tàu hiện chỉ đón được tàu khoảng 30.000 tấn.
Luồng tàu biển trên sông Soài Rạp còn có một lợi thế hơn hẳn so với luồng tàu biển trên sông Lòng Tàu là gần biển. Từ biển theo luồng Soài Rạp vào hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước - khu vực TPHCM đang đầu tư hình thành hệ thống cảng biển mới, ngắn hơn tới gần 40km so với đoạn đường từ luồng Lòng Tàu vào hệ thống cảng biển này. Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp (giai đoạn 2) cho biết, trước mắt TPHCM chưa nạo vét ngay xuống độ sâu 11,5m mà sẽ nạo vét đến sâu 9m. Việc này sẽ được thực hiện trong 14 tháng từ ngày khởi công 24-11-2012 đến khoảng tháng 2 hoặc tháng 3-2013. Tổng kinh phí cho đợt nạo vét này khoảng 76 triệu EUR, trong đó đa phần từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Bỉ.
- Tăng lợi thế cạnh tranh
Đánh giá về sự hình thành của luồng tàu biển trên sông Soài Rạp, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, hiện nay đa phần hàng hóa xuất khẩu từ Tây Nam bộ lên TPHCM bằng đường thủy đều phải đi qua kênh Nước Mặn, sông Soài Rạp rồi đi ngược vào sâu nội thành TPHCM để lên tàu từ các cảng biển ở đây. Khi luồng tàu biển trên sông Soài Rạp được nạo vét, hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước phát triển, hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên sẽ không phải làm cuộc hành trình ngược dòng nữa. Điều này không những giúp các chủ hàng tiết kiệm chi phí vận chuyển mà còn góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự ra đời của luồng tàu biển trên sông Soài Rạp là tiền đề quyết định cho việc thực hiện thành công quy hoạch di dời hệ thống cảng biển hiện hữu trên sông Sài Gòn ra khỏi nội đô TPHCM. Ở một góc độ khác, theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, bên cạnh những đóng góp không thể phủ định của hệ thống cảng biển hiện hữu, nằm trên sông Sài Gòn cho sự phát triển của thành phố là những hệ lụy không nhỏ mà hệ thống cảng này gây ra cho thành phố (trong những năm gần đây).
Đó là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành là một trong những giải pháp quan trọng giúp thành phố giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Hơn nữa, việc này cũng giúp hệ thống cảng biển mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.
Cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp sẽ giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển kinh tế quan trọng bậc nhất đất nước và là một trong những thương cảng quan trọng trong khu vực và thế giới.
Ông Trần Thế Kỷ cho biết thêm, cùng với việc nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp, Sở GTVT TPHCM đã trình UBND TPHCM kế hoạch hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến khu vực cảng Hiệp Phước. Trước mắt, sẽ tập trung xây dựng xong 2km đường nối từ khu cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với hệ thống giao thông chung. Tiếp đó, hoàn thiện hơn 2,2km đường nối từ khu công nghiệp Hiệp Phước tới nút giao thông Bà Chiêm… Tất cả sẽ phải hoàn thành cùng với thời gian hoàn thành việc nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp đợt này.
NGUYỄN KHOA