Việc cả 2 cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý mặt hàng sữa là Bộ Y tế và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, cho thấy, có quá nhiều lỗ hổng trong việc quản lý mặt hàng này. Đáng lo ngại hơn, nếu nhìn vào báo cáo của 2 cơ quan này, nhiều người sẽ không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản giá sữa. Việc bộ này cho rằng trách nhiệm giá sữa tăng cao là của bộ kia cũng cho thấy, cần phải có sự chấn chỉnh, tránh tình trạng quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc”.
Lý giải về câu chuyện giá sữa, Bộ Tài chính cho rằng, do các sản phẩm sữa đã thay tên theo quy định mới của Bộ Y tế thành các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung sữa nên không còn nằm trong diện phải đăng ký giá bán và không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Với giải thích này, Bộ Tài chính hàm ý rằng, chính những thay đổi về tên gọi mà Bộ Y tế quy định đã khiến doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa lách để tăng giá và vì thế mà Bộ Tài chính không quản lý được việc tăng giá. Một thông tin khác cũng được Bộ Tài chính dẫn giải là việc từ ngày 1-1-2013 (thời điểm Luật Giá có hiệu lực và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của nhà nước) đến tháng 4-2013 có một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gửi thông báo giá bán sản phẩm của công ty đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Còn từ tháng 4 đến nay, không có đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Bộ Tài chính. Trong khi đó, theo các lãnh đạo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sau khi quy định lại tên gọi các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, Bộ Y tế đã có công văn gửi Cục Quản lý giá đề nghị xem xét và áp giá, đồng thời cung cấp danh mục các sản phẩm này đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định. Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, 5 năm qua, dù Bộ Y tế không đưa ra quy định nào về việc thay đổi tên thì giá sữa vẫn tăng đều đặn hàng năm. Bộ này cũng cho rằng, không thể nói vì thay đổi tên gọi từ sữa thành sản phẩm dinh dưỡng công thức mới dẫn đến việc tăng giá.
Nếu nhìn vào các báo cáo của 2 bộ này, mỗi cơ quan đều có lý lẽ riêng của mình nhưng cuối cùng ai là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý mặt hàng sữa thì không rõ ràng. Cách quản lý cắt khúc với mặt hàng sữa giữa 2 bộ đã bộc lộ không ít hạn chế, đặc biệt là công tác phối hợp. Cách làm hiện nay khiến nhiều người có cảm giác, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một ít khi có sự cố xảy ra hoặc mỗi cơ quan đang nhìn vào “điểm yếu” trong các quy định để hành xử.
Thật ra, nếu để làm hết trách nhiệm thì mỗi cơ quan chuyên ngành mà cụ thể ở đây là Cục Quản lý giá, Cục An toàn thực phẩm hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu như dựa vào chức năng, quyền hạn mà các cục này đang gánh vác. Chẳng hạn, Cục Quản lý giá có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính; tổ chức điều tra các yếu tố hình thành giá, giá mua, giá bán chi phí sản xuất các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá... Cục An toàn thực phẩm chịu trách nhiệm quản lý cấp giấy phép chứng nhận; quản lý chất lượng và tiêu chuẩn thực phẩm, trong đó có sữa. Tuy nhiên, sự phối hợp của 2 cơ quan này đến đâu khi mà giá sữa liên tục tăng vùn vụt mấy năm qua; sản phẩm sữa cho trẻ em được quảng cáo tràn lan, không hoàn toàn đúng với thực tế; sự thiếu đồng bộ khi đưa ra tên gọi khiến doanh nghiệp lách luật... Để rồi khi giá sữa phi như ngựa bất kham hiện nay và dư luận đặt vấn đề trách nhiệm, lại phải nhờ đến Thủ tướng phân xử. Đó thật sự là một nghịch lý!
Theo một số chuyên gia, đã đến lúc dựa trên chức năng, quyền hạn của mình, 2 cơ quan này phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để điều tra nguồn cơn của giá sữa ngoại hiện nay, từ đó có biện pháp “chữa trị” cần thiết. Bên cạnh đó là cần phải có sự xác định rõ ràng hơn trách nhiệm chính của từng cơ quan trong điều hành, quản lý giá sữa tránh xảy ra tình trạng như hiện nay: ai cũng quản nhưng trách nhiệm cuối cùng không biết của ai. Ngoài ra, câu chuyện về giá sữa hiện nay cũng đặt ra câu hỏi, có hay không việc vận động chính sách để có lợi cho một nhóm tổ chức, cá nhân nào đó? Bởi khi với thời điểm Luật Giá có hiệu lực thì chỉ bằng tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ Y tế ban hành mà mặt hàng trước đây là sữa đã thay đổi tên gọi và dẫn đến “một sản phẩm là sữa nhưng không phải là sữa” hiện nay.
QUANG MINH