Nộp phí bảo vệ môi trường

Né tránh và gian lận

Né tránh và gian lận

Nghị định 67/NĐ-CP về thu phí bảo vệ môi trường đã xác định doanh nghiệp phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Thế nhưng…

  • Chỉ có 13,7% doanh nghiệp nộp phí

Nước trong các kênh chảy qua khu vực xã Bình Hưng Hòa A (quận Tân Phú) đã đen kịt, đặc quánh, bốc mùi tanh tưởi nhưng hàng chục ống cống dẫn nước thải của nhiều cơ sở sản xuất gần đấy vẫn tiếp tục xả bỏ nước thải trực tiếp vào đây.

Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao không đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhiều chủ cơ sở tại đây đã từ chối trả lời. Không những thế, ông Hà Trung, chủ cơ sở gia công dệt nhuộm xã Bình Hưng Hòa A, còn “vô tư” lý giải: “Nước thải chảy ra kênh, rồi lại chảy đi nơi khác thôi. Với lại nước ở kênh đã đen rồi, có ô nhiễm gì thêm nữa đâu (?)”.

Né tránh và gian lận ảnh 1

Nhiều nhà máy đã xả nước thải chưa xử lý ra kênh 19 Tháng 5 ở KCN Tân Bình làm dòng kênh bị ô nhiễm nặng.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, hiện nay TPHCM có đến 12 KCN – KCX đã đi vào hoạt động và hơn 5.000 doanh nghiệp khác hoạt động riêng lẻ. Vừa qua, kiểm tra ở 293 doanh nghiệp, chi cục đã phát hiện chỉ có 38% doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải và 35% trong tổng lượng nước thải ra mỗi ngày là khoảng 150.000m3/ngày được xử lý. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này đã bị đoàn thanh tra lập biên bản xử phạt đến 3 lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.

Chưa thể kiểm tra đồng loạt tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM nhưng theo một cán bộ của chi cục, có khả năng số doanh nghiệp không trang bị thiết bị xử lý nước thải (hoặc có nhưng không sử dụng) còn cao hơn tỷ lệ trên. “Đây là nguyên nhân chính khiến cho chất lượng nước tại hầu hết kênh rạch thành phố ngày càng xấu đi”- ông Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) khẳng định như vậy.

Không chỉ có thế, nhiều doanh nghiệp còn cố tình trốn hoặc kê khai gian dối lượng nước thải ra để không phải đóng hoặc đóng phí bảo vệ môi trường thấp hơn. Số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện chỉ có 1.700/6.000 doanh nghiệp làm phiếu kê khai nộp phí bảo vệ môi trường, đạt khoảng 28,15%.

Sở đã thẩm định và ra thông báo nộp phí đến hơn 1.500 doanh nghiệp với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng, thế nhưng đến nay chỉ có 827 doanh nghiệp nộp hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó, quận 5 có số doanh nghiệp làm phiếu kê khai và nộp phí nhiều nhất, nhưng cũng chỉ có 171/607.

Quận 1: 13/106, Phú Nhuận: 5/173, quận 3: 16/133, quận Tân Bình: 5/99, quận 10: 36/104, các khu chế xuất – khu công nghiệp: 156/800. Đặc biệt, 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ có khoảng 250 doanh nghiệp nhưng đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp làm phiếu kê khai và đóng phí bảo vệ môi trường...

Tại hội nghị về thu phí bảo vệ môi trường của 32 tỉnh - thành khu vực phía Nam vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra con số: cả nước thu được 200 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường nhưng 90% là phí nước thải sinh hoạt. Trong khi đó, có đến hơn 30% doanh nghiệp trong tổng số 293 doanh nghiệp của TPHCM bị phát hiện kê khai không chính xác.

  • Xử phạt: Thanh gươm không… bén

Với lực lượng hiện có, các ban ngành chức năng chỉ có thể đi kiểm tra việc xử lý chất thải khoảng 2-3 lần/năm. Mức phạt cao nhất cho hành vi xả thải này là 100 triệu đồng. Nếu bị phạt đến “đụng trần” thì doanh nghiệp vẫn… lợi hơn do chi phí vận hành hệ thống xả thải lên tới 30-35 triệu đồng/tháng.

Và không phải lúc nào ngành chức năng cũng bắt được quả tang và có thể xử phạt với mức phạt cao như thế. Một số doanh nghiệp đã ngăn cản thậm chí đóng cổng không cho đoàn kiểm tra vào làm việc. Quy trình thủ tục lấy mẫu nước thải đi phân tích, xác định nồng độ ô nhiễm cũng “ngốn” mất khoảng 20 ngày. Kết quả, khi đoàn kiểm tra quay lại để xử phạt thì chất thải đã… được thải ra môi trường.

Cũng có một số doanh nghiệp sẵn sàng nộp phí nước thải công nghiệp nhưng thủ tục quá rườm rà nên họ ngán ngại. Theo bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6, để đóng phí, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cắt chuyển đồng hồ nước thải sinh hoạt; ngành chức năng phải đến lấy mẫu để xác định mức phí, trong khi đó thông tư hướng dẫn xác định khối lượng các chất gây ô nhiễm đang còn dự thảo, khiến cho nhiều cán bộ lúng túng.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã đề nghị Kho bạc và Ngân hàng Nhà nước khấu trừ phí môi trường vào tài khoản của các doanh nghiệp không chịu nộp phí. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiến hành ra quyết định xử phạt đối với những trường hợp trên. 

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục