Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, mặc dù phần lớn diện tích đường trên địa bàn TPHCM đang bị thu hẹp lại để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, song các phương tiện giao thông vẫn…tiếp tục tăng.
Số lượng ô tô các loại đăng ký mới tăng gần 100 chiếc/ngày và xe gắn máy 2 bánh tăng gần 1.000 xe/ngày. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một tăng, hiện Sở Giao thông Vận tải đành phải chọn giải pháp… cắt bớt hàng trăm chuyến xe buýt.
Dẫu biết đây là động thái “chẳng đặng đừng”, song không khỏi không cảm thấy lo lắng, bởi lẽ thả nổi cho xe cá nhân phát triển đồng nghĩa với việc TPHCM chọn giải pháp giao thông đầy rủi ro. Rủi ro về môi trường (tính bình quân lượng khí thải/người khi sử dụng xe thì xe cá nhân thải ra môi trường nhiều khói bụi hơn xe công cộng), rủi ro về an toàn (hiện nay xe cá nhân mà chủ yếu là xe gắn máy 2 bánh gây ra đến gần 80% vụ tai nạn giao thông)…
TPHCM sẽ bắt đầu hạn chế xe cá nhân như thế nào, là điều không dễ thực hiện. Cách đây nhiều năm, vấn đề này đã được đặt ra (rất nhiều lần) nhưng thành phố không tìm ra lời giải nên đành xếp lại. Bài toán khó nhất lúc ấy và bây giờ cũng vậy, đó là “con vịt có trước hay cái trứng có trước?”
Hạn chế xe cá nhân thì liệu xe công cộng có đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân? Và nếu không hạn chế xe cá nhân, xe công cộng liệu có thể phát triển? Đó là chưa kể đến một thực tế, hạn chế xe cá nhân mà cụ thể là xe gắn máy 2 bánh thì một bộ phận người nghèo, dùng xe gắn máy 2 bánh như một phương tiện mưu sinh sẽ sinh sống ra sao?. Tất cả những băn khoăn này của thành phố là chính đáng, hợp tình, hợp lý.
Thế nhưng, cũng không thể để xe cá nhân phát triển “phi mã” như hiện nay, bởi điều ấy chỉ dẫn đến một kết cục vô cùng nguy hiểm: ùn tắc giao thông trầm trọng. Nếu phải có một giải pháp nào đó-theo nhiều chuyên gia về giao thông, giải pháp đó nên là hạn chế ô tô cá nhân bởi đây là loại phương tiện giao thông chiếm nhiều diện tích đường hơn hết.
Phải hành động nếu TPHCM không muốn tình hình giao thông thêm trầm trọng.
An Nhiên