
Tuy đã trải qua một số trận đấu đáng kể trên sân nhỏ (gọi nôm na là sân 4 đá, 1 chụp) nhưng các tuyển thủ Futsal Việt Nam vẫn hoàn toàn lóng ngóng trong các pha phối hợp, chạy chỗ và khống chế bóng. Trách họ sao được khi những gì họ đang sở hữu không phải là thứ “vũ khí” tối ưu của bóng đá trong nhà mà chỉ là những kỹ thuật ngoài sân lớn (gọi nôm na là sân 11 người). Không quen nên chơi không hay, thế thôi!

Tuấn Thành (9 VN) trong trận gặp Hồng Công.
Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi đội tuyển Futsal Việt Nam đột nhiên được thành lập một cách vội vã sau giải đấu TPHCM mở rộng. Những cầu thủ hạng 2 (đúng nghĩa) của bóng đá sân lớn được triệu tập một cách vội vã, tập luyện một cách vội vã và đưa đi thi đấu cũng vội vã không kém. Thế nhưng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn quyết định chọn các cầu thủ “nòng cốt” trong số này để xây dựng đội tuyển Futsal Việt Nam tham gia giải vô địch Futsal châu Á (tổ chức ngay tại Việt Nam). Kỳ quái thay!
Và hậu quả nhãn tiền, tham gia giải vô địch Futsal Đông Nam Á (giải chuẩn bị cho Futsal châu Á), đội tuyển Futsal Việt Nam thua tan tác, xếp áp chót. Trước sức ép quá lớn của dư luận, Liên đoàn Bóng đá VN quyết định cứu tuyển Futsal Việt Nam bằng cách bổ sung Hồng Sơn và Tuấn Thành (hai cầu thủ được xem là có kỹ thuật rất khéo trên… sân cỏ) vào đội hình đội tuyển.
Rõ ràng, đây là một đội bóng “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Khi các cầu thủ chưa làm quen với bóng đá trong nhà (chắc chắn là như vậy!), họ không thể sử dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng rất đặc biệt như khống chế, xử lý bóng bằng gầm giày, liên tục tạo khoảng trống và phối hợp bật tường 1-2 theo hình tam giác, đá gần nhau, tất cả cùng tham gia tấn công và phòng ngự… Ngay chính Hồng Sơn và Tuấn Thành, những cầu thủ danh tiếng một thời của bóng đá Việt Nam, cũng không thể thích nghi trong một sớm một chiều. Hồng Sơn thì rất dễ bị “hóc” thể lực khi đòi hỏi phải di chuyển liên tục; Tuấn Thành thì mang cả những tiểu xảo ngoài sân lớn như kéo, đẩy, ngáng chân… vào bóng đá trong nhà và chính anh đã gây ra không ít rắc rối cho thủ môn tuyển Futsal Việt Nam vì tạo ra những lỗi phạt đền vô tội vạ.
Đây chính là thời điểm thích hợp cho chúng ta làm lại từ đầu dựa trên nền tảng của bóng đá phong trào (như những gì người Thái đã làm). Nên nhớ, ở Việt Nam, bóng đá trong nhà vẫn sống rất mạnh mẽ. Ở Hà Nội và TPHCM, những đội bóng Futsal phong trào thuộc mọi tầng lớp (sinh viên, học sinh, công nhân viên chức) vẫn tập luyện rất đều đặn ở những “nhà thi đấu” của riêng họ – nơi họ có thể thoải mái và tự tin thể hiện khả năng và bản lĩnh của mình. Hãy bắt đầu từ những con người này, những đội bóng này, chắc chắn liên đoàn sẽ tìm ra những cầu thủ có khả năng hơn nhiều lần so với những cầu thủ Futsal hiện tại.
HOÀNG DƯƠNG