Tuyến đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong 4 trục đường trên cao theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM, mục tiêu của tuyến đường trên cao là kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về khu trung tâm TP và ngược lại, nếu được đầu tư xây dựng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc chọn tuyến đi theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kết thúc tại khu vực cầu/đường Nguyễn Hữu Cảnh (phía sau Thảo Cầm viên) là chưa thực sự hợp lý và hiệu quả vì một số lý do sau:
- Ảnh hưởng lớn đến yếu tố cảnh quan/môi trường. TP đã mất rất nhiều thời gian và kinh phí đầu tư để cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (kể từ những năm 1990), đến nay dự án này đã hoàn thiện. Trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có ý kiến không đồng tình về việc xây dựng tuyến đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vì ảnh hưởng trực tiếp đến dự án vệ sinh môi trường TP do WB tài trợ và cảnh báo những tác hại bất lợi cho cảnh quan, làm hư hỏng mỹ quan đô thị, có khả năng tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của TP và cũng đề cập đến bài học thực tế về việc gỡ bỏ tuyến đường trên cao và cải tạo lại cảnh quan môi trường dọc kênh trong trung tâm TP Seoul (Hàn Quốc).
- Ngoài việc liên thông với nhau, hệ thống đường trên cao phải kết nối được với các trục đường chính bên dưới thông qua một số vị trí nút giao đầu mối, đặc biệt là vị trí đầu và cuối tuyến để phương tiện ô tô sử dụng đường trên cao một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lưu thông giữa các khu vực đô thị. Phương án tuyến đi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không đảm bảo được yếu tố này, đồng thời không phát huy được giá trị đầu tư của toàn tuyến, khó tổ chức lưu thông tại vị trí cầu/đường Nguyễn Hữu Cảnh vì phạm vi giải phóng mặt bằng rất lớn, ảnh hưởng đến Thảo Cầm viên, khu Ba Son và khu dân cư, trong khi vị trí Cầu Thủ Thiêm 1 rất gần (cách khoảng 900m) và có điều kiện để kết nối sang quận 2 và quận 7.
- Tính chất của các tuyến đường trên cao (xây dựng cầu cạn) là để dành riêng cho xe ô tô lưu thông nhanh (80km/giờ), vì vậy hướng tuyến phải tương đối thẳng, hạn chế những đoạn gấp khúc có bán kính cong nhỏ; Phương án tuyến đi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngoài việc không đảm bảo được yếu tố này mà cự ly tuyến còn quá dài so với các hành trình khác (các trục đường khác) từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất về khu vực trung tâm TP, trong khi số lượng công trình, nhà ở vẫn phải đền bù, giải tỏa lớn (các vị trí nắn tuyến qua các đoạn cong gấp khúc của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).
- Đoạn đi qua cầu Điện Biên Phủ (có kết nối với tuyến đường trên cao số 4 đi dọc đường Điện Biên Phủ) sẽ chồng lấp với vị trí cầu cạn của đường Phan Xích Long nối dài theo quy hoạch (vượt qua đường Điện Biên Phủ về đường Ngô Tất Tố). Chỉ với khoảng cách 400-600m mà xuất hiện 2-3 đoạn cầu vượt cạn qua đường Điện Biên Phủ là rất lãng phí, vừa khó tổ chức lưu thông vừa ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Đề xuất điều chỉnh tuyến đường trên cao đi dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo hướng như sau:
Điểm đầu: từ sân bay Tân Sơn Nhất đi theo đường Trường Sơn, Phan Đình Giót, đường Hoàng Văn Thụ, qua ngã tư Phú Nhuận rẽ qua khu dân cư (phạm vi nhỏ) kết nối với đường Phan Xích Long nối dài, vượt qua đường Điện Biên Phủ về đường Ngô Tất Tố, điểm cuối tại cầu Thủ Thiêm 1.
Phương án này có một số ưu điểm như sau:
- Phù hợp với quy hoạch các trục đường hiện có (kết hợp đồng thời để xây dựng, cải tạo), không ảnh hưởng đến cảnh quan/môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, phạm vi đền bù giải tỏa ít.
- Hướng tuyến thẳng, cự ly ngắn, tận dụng điểm cuối tại nút giao cầu Thủ Thiêm 1 để kết nối sang khu đô thị mới Thủ Thiêm, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng hiệu quả đầu tư.
- Ngoài nút giao tại điểm đầu khu vực sân bay (có nhánh rẽ về vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Bùi Thị Xuân để kết nối với tuyến đường trên cao số 2 tại vị trí depot Hòa Hưng - đảm bảo theo quy hoạch), sẽ tổ chức các điểm giao cắt (nút giao hoàn chỉnh) tại ngã tư Phú Nhuận và Điện Biên Phủ (có kết nối với tuyến đường trên cao số 4). Hiện nay, ngoài phương án tuyến đường trên cao đi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn có các đoạn tuyến khác đi trên kênh/rạch như: tuyến đường trên cao số 3 đi dọc theo rạch Ông Lớn (khu vực Q7, Q8 và H.Bình Chánh), tuyến đường trên cao số 4 đi dọc theo rạch Lăng (Q.Bình Thạnh), tuyến metro số 1 đi dọc theo rạch Văn Thánh (từ khu Ba Son đến Khu du lịch Văn Thánh).
Tăng cường cải thiện giao thông đô thị là cần thiết nhưng phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, lâu dài. Việc giữ gìn cảnh quan, bảo vệ giá trị môi trường nước trong đô thị là rất quan trọng. Vì vậy, TP cần xem xét lại phương án tuyến đường trên cao đi dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng hành lang kênh/rạch để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, những tác hại xấu đến môi trường thiên nhiên, môi trường trường sống của người dân.
KTS Vũ Trung (Hội Kiến trúc sư TPHCM)