Nên giảm dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC

Nên giảm dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC

Ba năm trở lại đây, khi xuất hiện vấn đề nợ xấu thì Ngân hàng Nhà nước đã tập trung các giải pháp để xử lý một cách tích cực và có hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng tình hình hiện nay đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ lớn hơn từ phía Chính phủ chứ không phải việc riêng của hệ thống ngân hàng.

Ngày 21-10, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, TS Trần Du Lịch đã có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. TS Trần Du Lịch (ảnh) nhấn mạnh:

* Phóng viên: Các tổ chức tín dụng luôn trích lập dự phòng rủi ro, theo ông biện pháp này đạt kết quả đến đâu?

* Ông TRẦN DU LỊCH: Tổ chức tín dụng dùng biện pháp trích lập dự phòng rủi ro bằng lợi nhuận, nhưng trong những năm lợi nhuận của các ngân hàng tốt thì không sao; những năm gần đây do tình hình kinh tế khó khăn nên nếu các ngân hàng trích lập nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và chịu áp lực từ các cổ đông về vấn đề cổ tức, thành ra không tránh khỏi hiện tượng các tổ chức tín dụng “giấu bớt” nợ xấu.

* Có ý kiến đề xuất dành một khoản ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu, quan điểm của ông thì sao?

* Ngay từ đầu khi thành lập Tổng Công ty Mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC), quan điểm của tôi vẫn là không nên dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu, bởi hiện nay Chính phủ vẫn còn có nhiều nguồn có thể sử dụng để giải quyết chuyện này. Đơn cử như quỹ cổ phần hóa, các quỹ tập trung, tiền nằm ở Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hoàn toàn có thể trích, mượn một thời gian để xử lý vấn đề này.

* Theo ông, kiến nghị của NHTM về việc xem xét giảm dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC có chấp nhận được?

* Đây là một kiến nghị hợp lý. Vì nếu sau khi bán nợ cho VAMC, các ngân hàng thương mại nhận được giấy nợ là trái phiếu đặc biệt nhưng vẫn phải trích dự phòng rủi ro 20% cũng là điều hết sức khó khăn đối với họ. Nếu được giảm từ 20% xuống còn 15% hoặc 10% và tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục thanh lý tài sản đảm bảo thì các ngân hàng sẽ bớt được khó khăn, cần khai thông thị trường mua bán nợ để làm sao VAMC và các công ty mua bán nợ khác có thể tham gia được và giải quyết dứt khoát tài sản thế chấp theo hướng thị trường.

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục