Nên gút lại những nghiên cứu về bảo tồn còn dở dang

Tuần qua, một trong những sự kiện về quy hoạch kiến trúc được người dân quan tâm là việc xây dựng cao ốc 40 tầng trên vị trí Thương xá Tax - tòa nhà đã có trăm năm tuổi của Sài Gòn - TPHCM.

Tuần qua, một trong những sự kiện về quy hoạch kiến trúc được người dân quan tâm là việc xây dựng cao ốc 40 tầng trên vị trí Thương xá Tax - tòa nhà đã có trăm năm tuổi của Sài Gòn - TPHCM.

Hiện chưa có ý kiến chính thức của thành phố về việc này. Tuy nhiên, khách quan mà nói công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị ở TPHCM đã được triển khai nghiên cứu gần 20 năm qua. Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu này, tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh đã có lần trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Tôi nhớ, đó là khoảng thời gian mà TPHCM chuẩn bị kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM. Thành ủy, UBND TPHCM muốn có một cái nhìn đầy đủ hơn về cảnh quan kiến trúc của thành phố, đặc biệt là các kiến trúc xưa, nên đã giao cho Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TPHCM (nay là Sở Khoa học - Công nghệ) triển khai chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM. Kết quả của nghiên cứu công phu này là khoảng 200 công trình kiến trúc có giá trị đã được lập danh sách. Thế nhưng, tất cả những nghiên cứu này chỉ dừng ở việc lập… danh sách. Điều mà người dân cũng như nhiều kiến trúc sư kỳ vọng, biến những nghiên cứu này thành những quy định về bảo tồn có giá trị pháp lý, chưa được hoàn tất. Yêu cầu bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị cũng được đặc ra trong Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM - nơi có Thương xá Tax tọa lạc. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào, công trình nào cần bảo tồn cũng chưa được quy định rõ… Chính sự “chưa tới” đó đã làm người dân không hiểu, rốt cuộc công trình nào sẽ được bảo tồn và bảo tồn ra sao? Trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, TPHCM đã có nhiều công trình cải tạo xây dựng mới trên cơ sở những công trình kiến trúc lâu đời, có giá trị, mà vẫn không làm mất đi “dấu tích” xưa. Nổi bật nhất là tòa cao ốc Diamond Plaza. Phần công trình mới phía sau kết hợp một cách hài hòa với kiến trúc lâu đời phía trước và cũng rất hài hòa với toàn bộ không gian kiến trúc xung quanh bao gồm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM… “TPHCM sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân xung quanh việc xây dựng công trình mới ở Thương xá Tax”, ông Trần Chí Dũng khẳng định. Tin với những gì ông Trần Chí Dũng nói nhưng người dân vẫn băn khoăn, tại sao TPHCM không chính thức đưa ra các quy định cụ thể về bảo tồn? Có được “công cụ” này, người dân sẽ biết và quan trọng hơn là giám sát công tác bảo tồn ở TPHCM. Công khai cho dân biết, dân góp ý thì việc gìn giữ những công trình kiến trúc có giá trị cho đời sau mới đạt được hiệu quả cao nhất.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục