
Một trong những thể hiện rõ nét nhất của làn sóng toàn cầu là hiện tượng lao động nhập cư. Người ta có thể thấy người Việt tại Hàn Quốc; người Philippines tại Saudi Arabia; người Sri Lanka tại Dubai... Lao động nhập cư trên thế giới đã gửi về nhà nhiều tỷ đôla mỗi năm, làm lu mờ tất cả các khoản trợ giúp của chính phủ.
- Hơn mọi khoản viện trợ nước ngoài

Ca sĩ hát rong Philippines tại một quán bar Nhật.
Dân di cư bằng cách này hay cách khác đã gửi tiền về quê nhà trong nhiều thế kỷ qua nhưng mãi tới gần đây các nhà kinh tế học mới nhận ra tầm quan trọng của điều này. Hiện nay, số tiền mà người lao động nhập cư gửi về nước là nguồn thu nhập lớn nhất, tăng nhanh nhất và đáng tin cậy nhất của các nước đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2005, các nước nghèo đã báo cáo số thu 167 tỷ USD từ nguồn lao động hải ngoại, nhiều hơn mọi khoản viện trợ nước ngoài.
Tính luôn cả các giao dịch không báo cáo, ước tính con số tổng cộng vượt mức 250 tỷ USD. Số tiền gửi về - hình thức giúp đỡ cá nhân của người nghèo tới người nghèo hơn - đã tạo cơ hội ít ỏi cho việc tích lũy của cải, đầu tư vào học hành, nhà cửa hay kinh doanh nhỏ và giúp một phần xã hội gia nhập tầng lớp trung lưu.
Năm 2005, ít nhất 39 tỷ USD chảy ra khỏi nước Mỹ bởi dân nhập cư. Theo WB, số dân di cư trên thế giới tăng từ 120 triệu tới 175 triệu người trong thập niên 90 và số tiền họ gửi về nhà mỗi năm tăng lên gấp ba lần trong thập niên này.
Dilip Ratha, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, nói: “Gần một tỷ người, tức là cứ sáu người thì có một người, có thể được nhận hỗ trợ từ hình thức này. Tỷ lệ trên vô cùng to lớn, hơn cả chúng ta nghĩ và có khả năng sẽ thay đổi”. Nhờ hàng triệu giao dịch như thế mà số lượng tiền gửi về hàng năm của Mexico tăng gấp đôi từ năm 2002 và năm 2005 đã đạt 20 tỷ USD, là nguồn cung cấp tiền chỉ đứng thứ hai sau dầu hỏa cho đất nước này - theo chuyên đề về lao động nhập cư toàn cầu do Los Angeles Times thực hiện.
Các nước đang phát triển khác cũng phụ thuộc rất nhiều vào số tiền của dân di cư. Lao động Brazil ở Nhật gửi hơn 2 tỷ USD về nhà mỗi năm, nhiều hơn mức xuất khẩu cà phê của nước này. Số ngoại tệ này còn hơn mức xuất khẩu trà ở Sri Lanka và du lịch ở Morocco đem lại. Ở Jordan, Lesotho, Nicaragua, Tongo và Tajikistan, nó cung cấp hơn một phần tư tổng sản lượng quốc gia.
Các nước giàu cũng bắt đầu nhận thấy rằng những công nhân nhập cư bình thường có thể giúp quê hương bớt nghèo. Năm 2005, Tổng thống Bush và những nhà lãnh đạo các quốc gia công nghiệp đã hưởng ứng lời kêu gọi WB về giảm chi phí chuyển tiền mặt và có phương án đầu tư tốt hơn.
Giới kinh tế học cho rằng, số tiền gửi này đem lại lợi ích không đồng đều và đôi khi phù phiếm bởi nhiều chính phủ không áp dụng các nguyên tắc cơ bản phổ biến cho phát triển như: cung cấp nhiều dịch vụ công cộng, trường học và bệnh viện hơn cho các vùng nghèo, tăng cường hệ thống pháp luật để khuyến khích đầu tư cá nhân, phổ biến rộng rãi tín dụng và các dịch vụ ngân hàng. “Cho tới nay, những thành công về tiền gửi là của cá nhân chứ không phải của tập thể,” theo lời Manuel Orozco, nhà kinh tế học thuộc Đại học Georgetown, người từng theo dõi số tiền từ hải ngoại gửi về Mỹ Latin.
“Nó có thể giúp nhiều người không lún sâu vào mức nghèo khó nhưng nếu chính phủ không có biện pháp đúng đắn thì nó sẽ không cải thiện được nhiều”. Đã có hai phương án xuất hiện ở Mỹ Latin nhằm tận dụng mọi cách để mở rộng số tiền gửi từ hải ngoại về. Một cách là thuyết phục người nhận tiền mở tài khoản tiết kiệm để số tiền đó được tái sử dụng vào các khoản cho doanh nghiệp nhỏ vay.

Lao động nhập cư Kenya tại Ý.
Phần lớn thu nhập từ tiền gửi của Mỹ Latin, năm 2005 là 55 tỷ USD, chảy về nước dưới hình thức tiền mặt thông qua các công ty chuyển tiền chứ không phải qua ngân hàng. Một cuộc thăm dò mới đây của Ngân hàng phát triển châu Mỹ cho thấy, trong mỗi 20 gia đình Mỹ Latin có nhận tiền thì có 19 hộ không tin tưởng hay không tiếp cận được các cơ sở tài chính. Donald F. Terry, người đang lãnh đạo sáng kiến về ngân hàng, nói: “Công việc của chúng tôi là đưa ra cho mọi người nhiều chọn lựa để sử dụng hàng tỷ đôla này, gồm cả những cách có thể tạo ra tác động kinh tế lớn hơn”.
Tổ chức của Terry đã giúp đỡ các ngân hàng nhỏ chuyên cho người nghèo vay trở thành doanh nghiệp quản lý tiền gửi trong mười nước Mỹ Latin. Banco Solidario, một người tiên phong tham gia chương trình, đã vận dụng được 85 triệu USD tiền gửi từ Tây Ban Nha về Ecuador năm 2005. Hơn 5 triệu USD trong số đó đi vào các tài khoản tiết kiệm, sinh ra các khoản vay cho 2.504 doanh nghiệp nhỏ và 470 gia đình cần mua nhà ở Ecuador.
- Điển hình Philippines
Lao động ở nước ngoài là nguồn xuất khẩu thành công nhất của Philippines. Ba thập niên trước, khi tìm kiếm tài chính và lối ra cho dân số đang tăng nhanh, Tổng thống lúc đó là Ferdinand Marcos đã khuyến khích dân Philippines đi tìm việc ở nước ngoài. Qua thời gian, công nhân hải ngoại đã trở thành trụ cột của nền kinh tế. 9 triệu người Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Mỗi ngày có hơn 3.100 người rời khỏi đất nước.
Công nhân Philippines gửi về nước hơn 10,7 tỷ USD trong năm 2005, tương đương 12% tổng sản lượng quốc gia. Vị tổng thống đương thời, Gloria Macapagal Arroyo, gọi họ là “trụ cột của lực lượng lao động thế giới mới” và “nguồn xuất khẩu lớn nhất của chúng ta”. Trên khắp thế giới, những công nhân này đã tạo được tiếng vang về tính táo bạo và chăm chỉ. Họ bao gồm cả một số người tài năng nhất của Philippines, được giáo dục tốt và biết nhiều ngôn ngữ.
Rõ ràng, Philippines đang “chuyên nghiệp hóa” trong thị trường lao động nhập cư. Trên đấu trường cạnh tranh này, Philippines có lợi thế là họ nói được tiếng Anh. Và có cả một bộ máy hành chính xung quanh họ. Bộ phận quản lý việc làm ở nước ngoài của Philippines giúp tìm kiếm việc làm ở các nước khác, khuyến khích công nhân ra nước ngoài.
Tổ chức phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật thường mở các lớp đào tạo miễn phí kỹ thuật hàn, lái xe tải nặng và các kỹ năng khác. Phòng phúc lợi của công nhân ở nước ngoài đặt quan hệ ngoại giao khắp thế giới để chăm lo cho công nhân Philippines ở nước ngoài. Những người đem hoặc gửi tiền về nước không phải trả thuế thu nhập. Hiện thời, dân Philippines làm việc ở mọi nước trừ Bắc Triều Tiên, theo lời Bộ trưởng Lao động Patricia Santo Tomas, người có anh trai làm bác sĩ ở Quận Cam- California.
- Những mặt trái
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều tươi hồng. Người giúp việc Philippines làm việc ở Kuwait, Saudi Arabia và các nước Trung Đông khác thường bị phân biệt chủng tộc, bị đánh đập và bị lạm dụng tình dục. Phụ nữ thường xuyên phải sống cô lập, thậm chí bị cấm gọi điện thoại về nhà. Nếu họ nộp đơn chống lại chủ thuê, họ có thể bị trục xuất hay bỏ tù về tội vu khống. “Họ bị đối xử như các nô lệ thời hiện đại vậy” - lời của Maita Santiago, Tổng Thư ký Migrante International, nhóm đấu tranh vì quyền lợi cho công nhân Philippines. “Khi công nhân gặp tai họa, Chính phủ Philippines chẳng bênh vực quyền lợi cho họ vì sợ thị trường ngoại quốc đóng cửa đối với công nhân Philippines”.
Ngoài ra, còn vài mặt trái đáng chú ý. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu lao động đã trở thành công thức cho sự trì trệ. Một thời từng là một trong các nước mạnh nhất châu Á, nay kinh tế Philippines xếp hạng gần cuối bảng. Chính phủ đầu tư ít tiền vào sản xuất, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nền kinh tế thậm chí chẳng tạo ra nổi 1,5 triệu việc làm mỗi năm cần thiết để bắt kịp tốc độ gia tăng dân số. Ding Lichauco, nguyên chánh văn phòng kế hoạch kinh tế của đất nước, cho biết: “Số tiền từ nước ngoài là thứ duy nhất giữ cho nền kinh tế vận động”!
LÊ THẢO CHI