Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Giáo sư Trần Văn Giàu - nghe thầy kể chuyện”, tác giả là nhà sử học Nguyễn Phan Quang, nhân lễ “tốt khốc” (thôi khóc/bách nhật) của một trong không nhiều vị sư biểu Việt Nam lỗi lạc của thế kỷ 20.
Nội dung cuốn sách là cuộc trò chuyện giữa hai thầy trò Trần Văn Giàu - Nguyễn Phan Quang; đúng hơn, trò Nguyễn Phan Quang được ngồi nghe thầy Giàu kể (trong nhiều ngày liên tục) về những chặng đường hoạt động cách mạng - chủ yếu là duyên cớ hình thành nên một danh sư Trần Văn Giàu.
Trong khuôn khổ cuốn sách, Nguyễn Phan Quang đã tiếp cận, hé lộ cùng độc giả một góc nhìn về vị giáo sư khả kính này trên lĩnh vực sư phạm - giáo dục. Điều này thật dễ hiểu, bởi bất kỳ ai khi làm chính trị hay hoạt động cách mạng thường khó tránh khỏi những điều “đắc”, “thất”; lại có những góc khuất, nỗi niềm không dễ giãi bày với đương thời và hậu thế. Trong khi đó, với nền giáo dục - khoa học nước nhà ngay từ “Cái buổi ban đầu dân quốc ấy” cho đến thời hiện tại, GS Trần Văn Giàu là một gương mặt rỡ ràng, nhiều thành tựu - người mở đường và ở vị trí dẫn đầu của nền sử học cách mạng.
Đọc “Giáo sư Trần Văn Giàu - nghe thầy kể chuyện”, có cả một “núi” tri thức, kinh nghiệm cho những ai quan tâm đến chuyện dạy, chuyện học hôm qua và hôm nay. Đây là một phương pháp lên lớp “lạ” mà hơn 60 năm sau khi rời ghế nhà trường Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ), GS Trần Văn Giàu vẫn nhớ:
“Ông thầy “Moscow” có một cách dạy rất đặc biệt: cho dàn bài, chia mấy phần, mỗi phần phải đọc cái gì từ trang mấy đến trang mấy. Ông giảng yêu cầu của bài, mình về phải đọc những bài ông cho, nghĩa là ông chưa giảng bài, chỉ nêu yêu cầu thôi...). Sau 2, 3 ngày đọc ở nhà, ông thầy trở lại, vẫn không giảng mà cho học trò tha hồ hỏi. Cách vài ngày, ông thầy lại đến, học trò đã đọc rồi. Ông chỉ định người này, người kia nói vấn đề này, vấn đề kia (...). Học trò thảo luận, tranh cãi hết buổi; ông thầy ghi lại, không nói gì vội. Đến buổi thứ ba, ông không bảo học trò nói nữa, mà ông giảng bài, nghĩa là căn cứ sách mình đọc, nhất là căn cứ những thắc mắc sai đúng trong thảo luận kỳ trước. Vừa giảng vừa khen chê ý kiến các học trò đã phát biểu và kết luận bài đó luôn. Tóm lại, bài giảng là cuối cùng, không phải đầu tiên...
Còn đây là cách học của GS Trần Văn Giàu và các đồng chí của ông khi đó:
“Anh Hà Huy Tập dịch từ tiếng Nga, tôi dịch tiếng Pháp ra quốc ngữ (…). Mỗi bài học, tôi đọc cái tối đa và dịch cái tối thiểu, nên trong năm học có mấy chục bài, tôi đều thuộc lòng; đọc kinh điển, lại dịch ra, có lớp mục thứ tự”...
Chính nhờ cách học vậy mà sau này trong các xà lim, “người tù Trần Văn Giàu” dẫu “không có gì trong tay cả” thì bài giảng cho anh em bạn hữu vẫn “có đầu có đuôi như là trên một lớp học” với “sàn xi măng nhà tù làm bảng, mấy cục gạch vụn làm phấn”. Vĩ đại biết bao nhiêu hình ảnh thầy giáo/người tù Trần Văn Giàu! Và ai dám nói, trong thế kỷ 21 này, cách được thụ giáo “bài giảng là cuối cùng”, cách “đọc cái tối đa và dịch cái tối thiểu” kia là cũ với thời gian, không có ích cho thế hệ trẻ?
“Cái hay nhất của nghề giáo là lựa chọn - enseigner, c’est choisir (dạy là chọn) - lượm lặt những cái gì hay nhất về tinh thần để nói cho người khác. Thầy giáo có thể coi như một quyển sách, nhưng là quyển sách biết gạt bỏ những cái gì xấu, dở, dối trá để giữ lại cái gì đúng, hay, sự thật”.
“Ở trên đời không có sách nào, đạo lý nào có tác dụng xây dựng con người bằng sử hết. Sử là cách xây dựng hơn hết. Triết có thể xây dựng con người, nhưng nói chung là trừu tượng. Kinh kệ có nhiều cái hay, nhưng lại là việc xa vời, mông lung. Tôi thấy duy có môn sử là môn gắn liền với con người hơn hết, trong đó chính tà, phải quấy, tốt xấu..., các loại người được ghi lại, dựng lên một cách điển hình. Cho nên sử là sự biểu hiện mình để lựa chọn những điều hay dở, tốt xấu, nên chăng”...
Và nếu ai đó có băn khoăn xung quanh văn phong tập sách - như nhiều khẩu ngữ, đôi chỗ ý tứ trùng lặp - hẳn sẽ tìm được câu trả lời phía sau luống chữ, lúc bình tâm tĩnh trí: Nguyễn Phan Quang muốn để bạn đọc lĩnh hội đầy đủ hơi thở, tiếng nói... rộng ra là cốt cách
GS Trần Văn Giàu như vốn có; ông không biên tập vì mong rút ngắn khoảng cách giữa người kể và độc giả.
Cuốn sách “Giáo sư Trần Văn Giàu - nghe thầy kể chuyện” cũng là nén tâm hương tưởng niệm sau đúng 100 ngày vị sư biểu lỗi lạc của chúng ta rời cõi tạm về miền thiên thu cực lạc!
Phạm Võ Thanh Hà