Vụ thảm sát 32 người ở ĐH Virginia

Nền văn hóa súng đạn ở Mỹ

Nền văn hóa súng đạn ở Mỹ

Cái mà sử gia Richard Hofstadter gọi là nền văn hóa súng đạn của nước Mỹ đã thể hiện bằng sự kiện kinh hoàng sáng 16-4-2007, khi một kẻ loạn trí ôm súng vào Đại học kỹ thuật Virginia và giết chết 32 nạn nhân rồi tự sát. Sự kiện thảm sát ghê rợn nhất lịch sử hiện đại Mỹ một lần nữa cho thấy luật sử dụng súng tại Mỹ luôn là vấn đề xã hội nhức nhối nhưng chưa bao giờ có một giải pháp xử lý tận gốc.

Một xã hội súng

Nền văn hóa súng đạn ở Mỹ ảnh 1
Lựa súng tại một “siêu thị súng”

Một đại diện tổ chức Những người sở hữu súng Hoa Kỳ  (Gun Owners of America) từng nói, nếu trẻ con sống chung với súng trong một mái nhà thì chúng sẽ quen với súng và biết cách sử dụng để không gây nguy hiểm (!?) Nhân vật này còn nói, thời xưa, trẻ con thường mang súng đến trường và sau đó vào đường xe điện ngầm New York để tham gia thi bắn.

Những phát biểu “quái đản” tương tự cũng được thốt ra từ Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (National Rifle Association of America - NRA). Hiện có khoảng 4,3 triệu thành viên (chủ tịch hiện thời là Sandra Froman), NRA từng tung ra vô số chiến dịch ủng hộ “quyền giữ và mang súng”.

Để tồn tại, NRA tung ra nhiều chương trình “giáo dục súng”. Chương trình Eddie Eagle là một ví dụ. Các em học sinh được mời tham gia chương trình đã được dạy rằng súng cũng như “hồ bơi, ổ cắm điện, bao diêm… (những thứ có thể gây nguy hiểm cho trẻ)”. Những chương trình giáo dục khác bao gồm hướng dẫn cơ bản sử dụng súng, tổ chức thi bắn, kỹ năng săn và kỹ thuật chế tạo súng… NRA còn tổ chức các chương trình phòng vệ cá nhân, nhắc nhở dân Mỹ rằng cứ ba trong bốn phụ nữ Mỹ đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực.

Thành lập năm 1871, NRA là tổ chức lớn nhất trong ít nhất 13 tổ chức ủng hộ súng ở Mỹ. Họ cũng là nguồn tài trợ lớn cho đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa Mỹ trong suốt chiều dài lịch sử mình và lịch sử chính trị Mỹ. Năm 1996, chiến dịch gây quỹ Political Victory Fund, tiến hành với 313 cuộc vận động gây quỹ cho Hạ viện và Thượng viện, đã đem đến thành công cho sự đổ bộ của 232 nghị sĩ ủng hộ súng lọt vào Quốc hội! Và một trong những (cựu) hội viên nổi tiếng của NRA là cựu tổng thống George H. Bush.

Theo Trung tâm liêm chính công cộng, 145 nhóm-tổ chức liên quan ủng hộ súng đã đăng ký tham gia gây quỹ chính trị và nơi hào phóng nhất luôn là NRA, với trung bình 1,5 triệu USD/năm, thông qua hai công ty vận động hành lang WPP Group và The Federalist Group (Reuters 17-4-2007).

Văn hóa súng đạn trong xã hội Mỹ không chỉ thể hiện ở hình ảnh NRA mà còn ở vô số tranh cãi bất tận giữa nhóm ủng hộ súng và phe chống đối. Tiến sĩ John Lott – một trong những học giả nổi tiếng nhất nước Mỹ, tác giả quyển More Guns, Less Crime – từng chứng minh sự cần thiết hiện diện của súng để giảm thiểu tội phạm (?)

Trong khi đó, tờ New England Journal of Medicine cho thấy những người sở hữu súng tại nhà có nguy cơ giết người cao. Và bộ phim tài liệu Innocents Betrayed (2003) do một tổ chức Do Thái thực hiện lại khẳng định rằng chỉ khi công dân được phép trang bị vũ khí, nạn thảm sát mới có thể ngăn chặn (!?) Còn rất nhiều ý kiến tranh luận tương tự nhưng tựu trung, tổng thể văn hóa Mỹ vẫn ủng hộ việc sở hữu súng, dù từ cuối thế kỷ 19, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã nhấn mạnh: “Người Mỹ có quyền bảo vệ nhà mình… Cũng không ai cần tra hỏi việc Hiến pháp bảo vệ quyền của người đi săn được phép sở hữu và cất súng săn, tương tự quyền sở hữu và cất cần câu cũng như các công cụ khác cho đánh bắt cá; tương tự việc sở hữu và cất giữ xe máy.

Tuy nhiên, việc “sở hữu và cất vũ khí” cho hoạt động săn bắn ngày nay rõ ràng chỉ còn giới hạn ở khuôn khổ hoạt động mang tính giải trí chứ không phải là nhu cầu bức thiết cho sinh tồn như cách đây 200 năm. Do vậy, súng máy không phải là súng săn và chắc chắn cần được quản lý tương tự như xe máy vậy”.
 
Và một nền văn hóa súng

Nội dung quy định từ Tối cao pháp viện không chặt chẽ cuối cùng đã khiến nước Mỹ ngày nay có đến 20.000 luật quản lý súng (!), theo NRA (nghiên cứu của American Journal of Preventive Medicine cho biết chỉ có khoảng 300 luật cấp quốc gia và cấp bang địa phương) – dẫn lại từ Washington Post 18-4-2007. Ở cấp độ quốc gia, theo Đạo luật vũ khí quốc gia 1934, súng tự động và súng săn nòng ngắn phải chịu thuế và phải đăng ký.

Ngoài ra, Đạo luật kiểm soát súng 1968 bổ sung việc cấm bán súng theo đơn đặt hàng qua bưu điện; cấm bán và chuyển giao cho vị thành niên; súng phải có số serie và hệ thống theo dõi lưu hành; cấm đối tượng tiền án hình sự sở hữu súng… Tuy nhiên, ở từng bang, luật súng rối như canh hẹ và càng phức tạp như mớ bòng bong bởi luật thậm chí không thống nhất trên bình diện toàn bang mà có khi khác nhau ở mỗi cơ quan pháp luật tại bang đó (chẳng hạn luật của văn phòng thống đốc và luật của cảnh sát địa phương!). Tổng quát, có thể phân thành bốn nhóm luật (với tên gọi đặc sệt chất văn hóa Mỹ).

Đầu tiên là luật nên-như-thế (shall issue). Luật này quy định chính quyền địa phương được cấp phép sở hữu vũ khí giấu kín cho bất kỳ ai yêu cầu, miễn anh ta đáp ứng được tiêu chuẩn sở hữu-sử dụng vũ khí – chẳng hạn gửi dấu tay vào hồ sơ lưu, nộp lý lịch cá nhân, tham dự lớp sử dụng súng an toàn, nộp lệ phí (nếu có). Dù vậy, luật nên-như-thế lại khác nhau ở từng bang. Thí dụ, bang Georgia không đòi giấy chứng nhận sử dụng an toàn.

Một số bang áp dụng luật nên-như-thế là Alaska, Arizona, Arkansas, Colorado, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maine, Michigan, Minnesota, Mississippi, Missouri, Montana… Tuy nhiên, Alaska vừa áp dụng luật nên-như-thế lẫn luật không-hạn-chế (unrestricted issue), có nghĩa bang này không đòi hỏi giấy phép mang súng đối với “bất kỳ cá nhân nào biết sống và làm việc theo pháp luật” – kể cả mang công khai hoặc mang kín trong phạm vi bang. Cùng lúc, Alaska sẵn sàng cấp phép đối với đối tượng nào yêu cầu (theo luật nên-như-thế) để có thể mang súng đến bang khác mà không bị thộp cổ vì tội sử dụng vũ khí trái phép.

Tương tự Alaska, Vermont chẳng đòi hỏi “giấy má” gì, đối với cư dân bang lẫn cư dân bang khác sống tại Vermont. Ngoài hai luật trên, còn có luật có-thể-như-thế (may issue), theo đó chính quyền địa phương có thể tùy nghi xem xét việc cấp giấy phép mang súng giấu kín cho cá nhân nào đó. Các bang như California và New York cho phép chính quyền địa hạt được quyền xét cấp phép.

Riêng tại New York City, giấy phép mang súng giấu kín, về lý thuyết có thể có được nhưng trong thực tế nó cần sự can thiệp của yếu tố tiền, ảnh hưởng chính trị hoặc thậm chí mức độ nổi tiếng (vài người được cấp phép trong lịch sử New York City gồm nhà công nghiệp truyền hình-phát thanh Howard Stern, chủ hãng mỹ phẩm Ronald Lauder, tỷ phú Donald Trump...). Và cuối cùng là luật không-được-như-thế (no issue), tức việc mang súng (giấu hoặc công khai) của các cá nhân không thuộc ngành cảnh sát-an ninh bị cấm hoàn toàn.

Tính đến tháng 3-2007 (theo Wikipedia), chỉ hai bang Illinois, Wisconsin và khu vực Washington DC áp dụng luật này.
 
Sự bất nhất trong luật súng Mỹ có thể được cụ thể hóa bằng sự kiện sau. Tháng 10-2000, Terry Walker đi vắng nhà, khi xảy ra vụ một cảnh sát bị bắn chết. Bác thợ nấu ăn Terry Walker, 49 tuổi, sống tại bang Michigan (nơi áp dụng luật “shall issue”) khi trở về đã lập tức bị bắt với tội “giết người không chủ ý”, dù không có chứng cứ nào cho thấy ông quen biết kẻ giết người – tên Ljeka Juncaj, kẻ đã tự sát ngay sau khi bắn chết cảnh sát viên Chris Wouters. Lời kết tội xuất phát từ việc Walker không nộp các giấy tờ quy định khi bán khẩu súng săn để cuối cùng khẩu súng lọt vào tay Juncaj. Công tố viên cho rằng vụ xử Walker là nỗ lực nhằm buộc người bán súng phải có trách nhiệm cho dù khẩu súng sang tay nhiều lần trước khi đến kẻ thủ ác.

Tuy nhiên, các nhóm “quyền của súng” và nhiều ý kiến bảo thủ khác cho rằng vụ xử Walker là bất công, “nó khiến tôi nhớ lại những vụ án mà ông chủ đất phải đưa đầu chịu báng cho người làm công” – phát biểu của Mitch Pearlstein thuộc Trung tâm thử nghiệm Mỹ, tổ chức nghiên cứu ở Minneapolis.
 
Không biết giới làm luật sử dụng súng tại Mỹ nói chung sẽ rút tỉa được gì từ sự kiện thảm khốc 16-4-2007 nhưng có điều chắc chắn rằng sẽ không bao giờ nước Mỹ có một bộ luật chung chặt chẽ áp dụng cho tất cả các bang, liên quan việc sử dụng và sở hữu vũ khí. Sức mạnh và ảnh hưởng chính trị của những tổ chức như NRA càng khiến khả năng việc cấm tuyệt đối sử dụng súng trong xã hội Mỹ trở thành một điều bất khả!

 Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục