Nếp sống “hồn nhiên” trong lòng đô thị

Nếp sống “hồn nhiên” trong lòng đô thị

Tết Đinh Hợi qua đã lâu nhưng nhiều người vẫn chưa hết buồn lòng trước hàng loạt hành vi thiếu văn minh của một số bạn trẻ như cướp hoa, cướp heo đất trưng bày... ngay giữa Chợ Hoa xuân và đường hoa Nguyễn Huệ. Không những thế, hàng ngày, không ít những hành vi phản văn minh đô thị vẫn bày ra trước mắt mọi người ở nhiều cấp độ, đi ngược lại quá trình hội nhập và phát triển của thành phố, của đất nước. Tuần san SGGP Thứ Bảy thiết nghĩ đã đến lúc cần phải mạnh dạn mổ xẻ “khối u” nhức nhối này...

  • Giao thông: “Dễ sợ”!
Nếp sống “hồn nhiên” trong lòng đô thị ảnh 1

SV trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, đường Huỳnh Thúc Kháng, Q1, ăn sáng trên vỉa hè trước cổng trường. Ảnh: VIỆT DŨNG

GS-TS Nguyễn Quang Riệu, kiều bào Pháp, trong một lần trở về nước giảng dạy đã tâm sự: “Về VN tôi sợ nhất là bước ra đường bởi có quá nhiều người chạy xe không theo một quy luật nào cả. Bà nhà tôi còn e ngại hơn nên hễ cần đi đâu là bà đều đón tắc xi. Em trai tôi mất đột ngột cũng do tai nạn giao thông tại VN. Tôi nghĩ nhiều người nước ngoài cũng e ngại giao thông ở TPHCM giống như tôi. Thành phố phát triển nhanh là điều rất đáng mừng, tuy nhiên kèm theo đó cũng có nhiều bất cập rất nhức nhối, cụ thể là vấn đề văn minh đô thị”.

Thật vậy, đi qua bất kỳ đoạn đường nào, đường rộng thì sẽ thấy cảnh phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, cúp đầu xe; đường hẹp và nhất là giờ cao điểm thì thấy vô số cảnh đậu lấn tuyến, leo lề… Hậu quả nhãn tiền là số người chết vì tai nạn giao thông ngày một tăng. Chỉ tính riêng tháng 2 năm 2007, cả nước đã xảy ra gần 1.500 vụ TNGT, làm 1.400 người thiệt mạng và gần 1.300 người bị thương.

Bằng mắt thường cũng có thể thấy các trục giao thông chìm ngập trong khói bụi, nhất là vào giờ cao điểm; rồi khói xe xả vô tư vào mặt người đi đường, xe lớn nhấn còi đinh tai nhức óc xua xe nhỏ, còn xe nhỏ gắn các loại còi “khủng bố” cạnh tranh với xe lớn, rồi nạn móc pô, xoáy nòng, rồ ga không bị xử phạt hoặc xử phạt qua loa… “Ở Việt Nam mình, người ta sợ công an chứ không sợ luật” - ông Phan, luật sư, Việt kiều Bỉ, nhận xét.

Thật vậy, tại các giao lộ nếu thiếu bóng dáng công an, giao thông thường “rối như canh hẹ” vì mạnh ai nấy hối hả chạy. “Kinh nhất là cảnh đang chạy xe nhưng người ta muốn băng, muốn tấp, muốn rẽ ở đâu là rẽ. Thật căng thẳng khi tham gia giao thông ở nước mình. Tại các lằn vạch chẳng thấy xe nào giảm tốc độ cho người đi bộ băng qua đường, còn người đi bộ thì cứ vô tư băng ngang băng dọc, bất chấp lằn vạch” - chị Hằng, Việt kiều Canada nói. Khi trời mưa hay nước ngập, các loại xe cứ “hồn nhiên” phóng, mặc nước tóe sang người xung quanh. Lên xe buýt thì hiếm thấy cảnh người trẻ, khỏe nhường chỗ cho người già, người khuyết tật, trẻ em hay phụ nữ mang thai…

  • Sinh hoạt nơi công cộng: Hồn nhiên như giữa chốn không người!

Dạo qua bất kỳ đường phố nào, bất kể giờ giấc, nếu để ý, ta sẽ thấy cảnh tè đường, phóng uế rất đỗi hồn nhiên của rất nhiều người, bất kể tuổi tác, giới tính. Rồi cảnh đổ rác, nước thải, nói chung thứ gì dơ bẩn là hất ra đường. “Người ta có thể giữ nhà mình rất sạch nhưng nhà người khác hoặc đường phố thì mặc kệ. Dọn vệ sinh cho chợ, chúng tôi thường xuyên phải dọn cả các dãy phố xung quanh khu vực chợ do người dân cứ vứt rác bừa ra vì họ thấy chợ luôn có người dọn dẹp” - ông Nguyễn Thành Trang, trưởng BQL chợ Phạm Văn Hai, cho biết.

Cũng vậy, chắc không ở đâu có nhiều “khô chuột” như ở ta. Thói quen đập, bẫy chuột xong vứt ra giữa đường cho xe cán qua cán lại… chơi, cho đến khi con chuột mỏng lét, khô quắt, bẹp dính trên đường, không phải hiếm thấy.

Rồi tại các nơi dịch vụ công cộng, những nơi cần phải xếp hàng thì luôn có người nóng nảy, chen ngang. Tại rạp chiếu phim không hiếm cảnh khán giả gác chân vắt vẻo lên ghế trước hay xả rác, nhai chewingum rồi trây trét lung tung. Tại các hàng quán thì mạnh ai nấy nhả khói thuốc, hồn nhiên văng tục, hay vô tư ngoáy mũi, nhổ nước bọt; các cặp yêu nhau thì thản nhiên nặn mụn, nhổ tóc sâu cho nhau; ở nơi tôn nghiêm luôn thấy cảnh to tiếng cười đùa, những người trẻ nghe iPod rồi lắc lư hát theo tiếng nhạc ầm ĩ. Nơi giảng đường thì điện thoại tha hồ réo rắt và tiếng alô át cả tiếng thầy.

“Một buổi sáng nọ, đi làm qua một đoạn đường rất sạch bởi phía trước là những người lao công vừa làm vệ sinh còn chưa khuất bóng. Đột nhiên có tiếng inh ỏi của một đoàn xe tang chạy qua, ôi thôi giấy tiền vàng mã bay tung tóe, thế là bao nhiêu công sức của những người làm sạch đường phố từ đêm qua bỗng chốc vô nghĩa. Chứng kiến cảnh ấy mà không khỏi chạnh lòng” - anh Trần Minh Tuyến, một độc giả day dứt..

Rõ ràng những hành vi “vô tư” ấy đã ăn vào ý thức, tạo thành thói quen, thành nếp sống thiếu văn minh của đại bộ phận cư dân thành phố. “Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị có ý nghĩa lớn trong việc phát triển đô thị theo hướng bền vững. Nếu không sớm chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng rất lớn chất lượng phát triển, chất lượng sống chính cộng đồng dân cư của thành phố, của cả nước” - GS-TS Nguyễn Quang Riệu nói.

SONG PHẠM

16 hành vi vi phạm văn minh đô thị

Tuần san SGGP Thứ Bảy xin lược ghi các hành vi vi phạm văn minh đô thị đã được quy định trong các văn bản pháp quy của Chính phủ:

1. Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bày bán hàng hóa, họp chợ…

2. Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đặt biển hiệu, quảng cáo; buôn bán, bơm, sửa, giữ xe; tụ họp đá bóng, đánh cầu...

3. Dùng xe đẩy bán các loại hàng hóa lưu động trên đường, gây cản trở trật tự an toàn giao thông.

4. Phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đi hàng hai - hàng ba...

5. Quảng cáo, rao bán hàng bằng loa trên đường phố, trong khu dân cư, nơi công cộng.

6. Viết, vẽ, dán, treo nội dung quảng cáo, rao vặt trên bờ tường, tường nhà và các công trình công cộng, làm hoen bẩn trụ sở của các cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện bằng các biển hiệu quảng cáo… làm hư hại hoa cảnh, cây cối tại những nơi này.

7. Gây gổ, đánh nhau, chửi tục, say xỉn, gây rối trật tự công cộng, mang theo vũ khí thô sơ: dao, lê, mã tấu, dây xích, côn, gậy... gây ồn ào, mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

8. Vứt xác súc vật, rác, đổ nước hoặc các chất phế thải ra vỉa hè, lòng đường...

9. Thả vật nuôi chạy rong, phóng uế bừa bãi.         

10. Tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định.

11. Những hành vi trong mua bán như chèo kéo, bắt chẹt, tranh giành, đeo bám khách du lịch để mời đi xe, mua hàng, ăn xin…

12. Cởi  trần, mặc quần áo lót đi ra đường phố, ở các tụ điểm sinh hoạt công cộng (trừ các VĐV đang tập luyện; trừ nơi bể bơi, bãi tắm, nơi tập TDTT; hoạt động nghệ thuật)

13. Hút thuốc nơi công cộng như: rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi, nhà ga, bến xe, sân bay, cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc những nơi có quy định cấm.

14. Có lời nói, cử chỉ thô bạo, thiếu văn hóa, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự người khác.

15. Mắc võng, trải chiếu, bắc ghế nằm dài tại các vườn hoa, công viên, khu vực tượng đài, đài kỷ niệm, điểm di tích văn hóa-lịch sử, hè phố, nhà chờ xe buýt... Tắm, giặt tại các nơi như đài phun, bể chứa nước công cộng. Treo, đặt để các vật dụng, phơi áo quần, chăn màn nơi công cộng, phía mặt tiền đường, khu chung cư làm mất mỹ quan đô thị.

16. Tổ chức, tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng sự mê tín của người khác để trục lợi hoặc làm tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; đặt am miếu thờ và các vật thờ cúng trên đường phố, nơi công cộng; thắp hương, đốt, vãi vàng mã, gạo muối, vật cúng… ra đường gây mất vệ sinh và an toàn nơi công cộng.

T.P.

Tin cùng chuyên mục