Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, UBND TPHCM có kế hoạch cấm bán hàng rong, để xe vỉa hè trên hàng chục tuyến đường trọng điểm. TP đã xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu “ba không”: không bán hàng rong, không sử dụng vỉa hè để buôn bán và không để xe trên vỉa hè. Tuy nhiên, việc lơi lỏng kiểm tra xử lý của chính quyền địa phương đã dẫn đến hậu quả “ba không” trở thành “ba có”.
Bán hàng rong nhan nhản
UBND TPHCM đã giao cho chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trật tự lòng lề đường, vỉa hè thuộc địa phương quản lý; kiên quyết không cho phép và không tiếp tục cấp phép sử dụng vỉa hè, lề đường để kinh doanh, buôn bán, giữ xe. Tiến tới sẽ xóa bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè, lề đường ở khu vực các quận trung tâm. Chủ trương cương quyết là vậy nhưng thực tế nơi làm nơi không, do vậy hiện nay nhiều nơi tình trạng buôn bán hàng rong, để xe trên vỉa hè vẫn xảy ra lộn xộn.
Đơn cử, trước cổng Công viên Tao Đàn đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, các xe đẩy bán nước sâm, bán bánh mì, trái cây… tràn đầy lòng đường. Chúng tôi ghé vào mua trái dừa vừa uống vừa hỏi người bán tại đây bán ở đây có bị cấm không và ngạc nhiên khi nghe chị Mai – người bán hàng rong - trả lời: “Bị trật tự dí hoài chứ gì, nhưng họ dí hoài cũng ngán nên lâu lâu mới đi một lần”.
Chị Mai cho biết thêm, thấy họ tới tụi tui đẩy xe đi là xong! Nếu có bị phạt hay tịch thu đồ thì bỏ, chứ chi phí đóng phạt còn cao hơn tiền mua lại cái xe đẩy này. Anh Quang quê Thanh Hóa đậu xe trái cây bán trên đường Trương Định quận 3 cho biết trước đây anh bán cố định trên vỉa hè bị tịch thu nên mua xe đẩy để khi phường kiểm tra thì đẩy xe đi nơi khác hoặc chạy vô hẻm trốn.
Không chỉ có tình trạng bán hàng rong di động, vấn nạn lấn chiếm vỉa hè cũng nhan nhản khắp nơi như đường Võ Văn Tần, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, (Tân Bình)… Ngay tuyến đường mẫu về thực hiện văn minh đô thị như Lê Thánh Tôn quận 1 (ngay bên cổng UBND TPHCM) cũng rất nhiều người buôn bán trên vỉa hè. Thực tế hiện nay, trước cổng các bệnh viện, ngân hàng, siêu thị, rạp chiếu phim, thậm chí ngay các tuyến đường trung tâm quận 1, 3… tình trạng buôn bán hàng rong vẫn đầy rẫy.
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông của TP rất đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không mang lại hiệu quả như mong muốn, chỉ giải quyết được phần ngọn, do nhu cầu cần chỗ để giữ xe và kinh doanh của người dân là có thật, trong khi ngay tại khu vực trung tâm thành phố rất khó kiếm ra bãi giữ xe. Chủ trương thực hiện các tuyến đường kiểu mẫu nhằm để TP ngày càng sạch đẹp hơn. Nhưng việc cấm bán hàng rong vẫn khó xử lý triệt để, do vậy phải có chính sách căn cơ hơn. Trong khi chưa giải quyết được công ăn việc làm cho người dân thì xử lý họ chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Giải quyết có triệt để?
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP không cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đậu hoặc kinh doanh điểm đậu xe. Tiếp đó, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cũng kiên quyết lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè ở các đô thị và hành lang ATGT, vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường, là nhiệm vụ đột phá trong năm ATGT 2012.
Với mục tiêu trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè và đường phố, thời gian qua, Sở GTVT đã loại nhiều tuyến đường ra khỏi danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng một phần vỉa hè và lòng đường để giữ xe, buôn bán. Nhiều tuyến đường sẽ không được phép giữ xe hai bánh, buôn bán trên vỉa hè, đậu ô tô trên lòng đường nữa.
Từ đầu năm 2012 đến nay, Sở GTVT phối hợp UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát từng tuyến đường trên địa bàn. Không những siết kinh doanh buôn bán vỉa hè, TPHCM còn khống chế số lượng tuyến đường được đậu xe trên phần đường dành cho người đi bộ.
Trong các cuộc họp gian ban ATGT hàng tháng, lần nào Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cũng chỉ đạo các quận xử lý nghiêm việc sử dụng, lấn chiếm lòng, lề đường, buôn bán hàng rong trên các tuyến đường trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, những người buôn bán hàng rong, chủ yếu là dân nhập cư không có địa chỉ nên rất khó xử lý.
Đối với tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, việc xử phạt cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, mức xử phạt hành vi kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường theo Nghị định 34/CP của Chính phủ hết khung là 25 triệu đồng đối với những người cố tình vi phạm nhiều lần. Với mức phạt như vậy, họ không chịu nộp phạt.
Nhiều người cho rằng, chính quyền địa phương đừng viện dẫn lý do không xử phạt được mà buông lỏng quản lý địa bàn, vấn đề ở chỗ các cấp lãnh đạo địa phương có kiểm tra xử lý hay không mà thôi.
| |
Quốc Hùng