Nét đẹp sau vô lăng

Thân thiện và nghĩa hiệp
Nét đẹp sau vô lăng

Không bị xử lý vi phạm giao thông trong nhiều năm, sẵn sàng ra tay cứu giúp khi gặp người bị nạn giữa đường, chủ động trả lại tài sản khi hành khách bỏ quên, hiến kế các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách… là những việc làm tưởng chừng không đơn giản với cánh tài xế. Thế nhưng, 16 tài xế (xe buýt, taxi, xe tải) ở TPHCM vừa được Thành đoàn TPHCM tuyên dương, khen thưởng đã làm được hơn thế những chuyện ích lợi cho xã hội, xứng đáng là “tài xế trẻ, giỏi, an toàn, thân thiện”.

Tài xế trẻ Lưu Văn Dây (Hợp tác xã Vận tải và du lịch Thanh Sơn) luôn được đồng nghiệp và hành khách quý mến vì sự thân thiện và nghĩa hiệp.

Tài xế trẻ Lưu Văn Dây (Hợp tác xã Vận tải và du lịch Thanh Sơn) luôn được đồng nghiệp và hành khách quý mến vì sự thân thiện và nghĩa hiệp.

Thân thiện và nghĩa hiệp

Những ai thường xuyên đi lại trên tuyến xe buýt số 42, biển số 51B - 035.90 (tuyến chợ Cầu Muối - chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TPHCM) hẳn sẽ rất hài lòng và khâm phục chàng tài xế trẻ Lưu Văn Dây với những việc làm rất thân thiện và nghĩa hiệp. Buổi sáng, hành khách đi từ Thủ Đức vào trung tâm TP rất đông. Tại trạm dừng ngã tư Bình Phước (Thủ Đức), người buôn bán, sinh viên, công chức, người đi khám bệnh… chen chúc lên xe buýt này để đi vào trung tâm TP. Đang ôm vô lăng, liếc nhìn thấy một cụ già lưng còng, tay cầm xấp vé số cố bước lên bậc thang xe buýt, tài xế Dây nhanh nhẹn chốt thắng hơi, đứng dậy dìu cụ lên xe. Thấy băng ghế dành cho người già - người khuyết tật đã có 2 phụ nữ mang bầu ngồi, tài xế Dây đến băng ghế dưới vừa cười tươi vừa nói: “Em có thể nhường chỗ cho bác này không?”. Nghe vậy, một sinh viên nữ vui vẻ đứng dậy đỡ cụ già bán vé số ngồi xuống ghế...

Trò chuyện với chúng tôi, Lâm Hạ Hoa (sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TPHCM), thường xuyên đi trên xe buýt này, cho biết: “Từ nhà em đến trường có đến 3 tuyến xe buýt, nhưng em luôn chọn xe số 42 (51B - 035.90) để đi vì anh tài xế vừa thân thiện vừa nhiệt tình và lái xe rất tập trung. Đi học bằng xe buýt số 42 được 3 năm rồi nhưng chưa lần nào thấy tài xế lớn tiếng với khách, chạy ẩu hay bỏ trạm…”. Đối với hành khách là vậy, còn đơn vị công tác là HTX Vận tải và du lịch Thanh Sơn, tài xế Dây còn là nhân viên có thành tích xuất sắc trong việc góp phần giúp công ty phát triển khi nhiều năm liền không vi phạm luật, bảo quản tốt xe buýt trong lưu hành, giúp đơn vị giải quyết nhiều vụ ẩu đả do hành khách gây ra trên xe… Có phẩm chất đạo đức tốt, luôn nâng cao ý thức trong công việc, vậy nên tài xế Lưu Văn Dây luôn nhận được sự mến mộ, tin yêu của đơn vị, đồng nghiệp và hành khách.

Với tài xế Phan Thanh Quang, công tác ở Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, anh như “Lục Vân Tiên” của những nạn nhân bị tai nạn giao thông ở khu vực này. Khoảng 6 giờ 30 ngày 11-4-2013, hai thanh niên (1 nam, 1 nữ) lưu thông bằng xe gắn máy qua hầm vượt sông Sài Gòn (hướng quận 2 đi quận 1). Vừa qua cổng hầm 20m, xe bị một xe máy khác chở hàng cồng kềnh chạy cùng chiều vượt trước và va quẹt, dẫn đến té ngã. Qua camera gác trực, nhìn thấy nam thanh niên nằm quằn quại dưới làn xe trong hầm, máu chảy ra nhiều, tài xế Quang nhanh chóng cùng đồng nghiệp lấy xe của đơn vị đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đây chỉ là một trong số hơn 20 người bị tai nạn ở khu vực hầm sông Sài Gòn được tài xế Quang kịp thời ra tay cứu giúp, thoát khỏi nguy kịch.

Sẵn sàng trả lại của rơi

Những việc làm tốt, câu chuyện nghĩa tình, hành động mang ý nghĩa nhân văn còn được thể hiện qua việc chủ động trả lại tài sản cho hành khách của những tài xế taxi, xe khách.

Anh Phạm Hữu Thanh ở Công ty cổ phần Ánh Dương Việt là một trong 16 tài xế vừa được Thành đoàn TPHCM tuyên dương, khen thưởng vì không tham tài sản để quên của khách. Mới đây, sau khi trả khách, quay xe về bến ở công ty, kiểm tra xe, anh phát hiện dưới ghế xe có 10.000 USD và một giỏ xách bên trong có nhiều tài sản giá trị. Không do dự, anh quyết định mang ngay số tài sản này đến văn phòng công ty nhờ liên hệ để trả lại cho khách bỏ quên. “Nghề tài xế lương bấp bênh nên nghèo lắm. Nhưng không phải vì vậy mà mình lấy tiền bỏ quên của khách để mang tiếng tham cả đời. Không chỉ tự mình trả tiền cho khách, với đồng nghiệp khi gặp trường hợp như tôi, nghe tôi tâm sự, tất cả anh em đều vui vẻ trả tiền lại cho khách. Mỗi lần như vậy tôi thấy trong người thoải mái lắm”, anh Thanh chia sẻ.

Chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp lái xe bỏ trạm, gây nguy hiểm cho khách và nhiều lần nghe khách phàn nàn về tài xế xe buýt chạy ẩu, chạy sai tuyến, anh Nguyễn Văn Huy, Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn, đề xuất với lãnh đạo công ty lập ra quy chế “3 đúng” trong hoạt động công ty: “Đúng tuyến - đúng trạm - đúng giờ”. Khi đưa vào áp dụng, quy chế này đã phát huy rất hiệu quả, góp phần giảm thiểu những tai nạn phát sinh trong hoạt động của tài xế.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục