Có lẽ hiếm có đâu như ở đất nước mình có nhiều người yêu thơ và làm thơ đến vậy.
“Khi Nguyễn Trãi cưỡi voi vào cửa Bắc, Nguyễn Du viết Kiều, Đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên), ta nghe mà thấy oai hùng và lãng mạn quá. Có những bà cụ tuổi bảy tám mươi ru cháu bằng cả “Truyện Kiều” hay “Chinh phụ ngâm”, nếu ai hỏi về đoạn nào trong lời ru cụ sẽ giải thích vanh vách. Những người lính ra trận không quên nhét vào ba lô của mình những cuốn thơ dày cộp và khi trở về lại mang theo cả tràng giang “Thơ Bút Tre của lính”...
Hơn chục năm trở lại đây trên internet xuất hiện nhiều những trang thơ như luc bat.com, vanthoviet.com,diendanvanthoviet.com, thotinhhaynhat... nhưng phải nói sự phát triển mạnh mẽ hơn phải là các câu lạc bộ (CLB) thơ.
Đây là nơi tụ họp của những người yêu thơ ở một vùng, một quận hay một địa phương nào đó, có khi cả những người yêu ca nhạc nên còn gọi là “CLB thơ ca”.Trước đây ba bốn quận mới có một CLB, rồi sau đó thấy đông vui và nhiều người yêu thơ đổ về nên người ta tách ra xin thành lập “CLB thơ ca” cho quận mình. Hội viên đóng hội phí và có thẻ đàng hoàng. Họ đi để giao lưu qua lại giữa các CLB và thậm chí còn liên lạc và giao lưu đến các tỉnh khác rồi trở thành phong trào. Ngay trong một quận lại có nhiều CLB thơ phường. Thường thì các CLB này sinh hoạt tháng một kỳ, rồi một cách rất tự nhiên, người ta lập ra sinh hoạt sao cho khỏi trùng nhau.
Đến với CLB thơ ca có đủ thành phần, trẻ có, vừa vừa có và ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” cũng nhiều, đông nhất là cán bộ về hưu, hội viên cựu chiến binh, những người đã mang đến cho các CLB những bài thơ của một thời khói lửa. Tại CLB thơ ca Cựu chiến binh quận Gò Vấp tôi còn thấy những lần NSƯT Trần Thị Tuyết tới dự và ngâm thơ - một giọng ngâm thơ tuyệt vời đã từng góp phần nâng bước chân người chiến sĩ ra trận hoặc nhạc sĩ nổi tiếng Trần Tiến vẫn xuất hiện ở một CLB thơ phường... lòng tôi thấy vui vui.
Bên cạnh nhà tôi có ông cán bộ về hưu lâu nay lầm lì ít nói, có lúc khó chịu nữa, mấy tháng nay tự nhiên thấy mặt mày ông vui vẻ hẳn lên, cởi mở với bà con lối xóm, có lúc vừa tưới cây cảnh vừa ngâm thơ nghe cũng hay. Bà xã tôi ghé tai nói nhỏ “chắc ổng trúng xổ số?”. Trước đây ông sống khép kín, bây giờ sáng sáng thấy có mấy ông bạn già í ới gọi nhau ra quán cóc đầu hẻm, ngồi uống cà phê rồi trao đổi nhau mấy trang viết gì đó, tôi biết ngay đó là các bài thơ của các cụ mới sáng tác. Họ cười nói với nhau thật vui.
Có người nói “Thơ là sương khói của tư duy”, là “Tiếng lòng nhân thế”, nghe nó lấp lánh cái triết lý cao sang. Hồi còn chiến tranh cứ tới 10 giờ đêm nơi rừng núi sâu thẳm hay trên đường hành quân là “Tiết mục tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam” những giọng ngâm vàng như Kim Cúc, Linh Nhâm, Châu Loan, Trần Thị Tuyết... nghe thật mê hồn.
Trước mắt tôi, thơ làm cho người ta vui vẻ hơn, dễ chịu hơn, cởi mở hơn và thơ làm người ta xích gần nhau hơn, sống có tình có nghĩa, có trước có sau, làm đẹp hơn tình yêu quê hương đất nước, con người. Thơ là như thế ngoài thuộc tính lãng mạn vốn dĩ của nó.
Đã có một thời người ta nói đến chuyện “chiếu trên, chiếu dưới” của giới làm thơ nhưng chuyện này sau đó bị nhiều người không đồng tình vì thơ là thơ còn “trên dưới” gì nữa. Cũng công bằng mà nói cũng có những người thấy yêu thơ thì đến CLB thơ, lúc đầu những bài thơ của họ chỉ “hơi giông giống thơ” mà thôi, rồi thì chính ở các CLB thơ này là nơi “cắt tỉa, gọt mài” mà nên những tác phẩm rất thơ.
Từ những CLB thơ người ta biên tập chọn lọc và cho xuất bản những tập thơ có giá trị cả về chất lượng và thẩm mỹ, rồi từ đó có những bài thơ và tác giả được bay xa, bay cao. Trong tuần vừa rồi trong chương trình sinh hoạt thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam tôi nhìn thấy mấy tập thơ được bình luận, ca ngợi như Thương nhớ Lam Hồng của Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TPHCM, Lục bát Sao Khuê của Hội thơ Sao Khuê - TPHCM, Dấu chân người lính của CLB thơ ca Cựu chiến binh quận Gò Vấp... với nhiều bài thơ khá hay từ các tác giả thành phố mang tên Bác, tự nhiên lòng thấy “nổi máu” tự hào.
“Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Ta yêu thơ, ta yêu cuộc đời này, ta cũng cảm ơn các CLB thơ đang mang lại niềm vui chân chính cho những con người quanh ta, cho nét đẹp văn hóa của một dân tộc văn minh, một dân tộc không chỉ biết “làm thơ và đánh giặc” mà biết cần phải làm gì để cuộc sống này thi vị hơn.
Hoàng Thạch