Nét riêng ở làng nghề Thái Yên

Nét riêng ở làng nghề Thái Yên

Được hình thành từ cách đây hàng trăm năm, làng nghề truyền thống sản xuất đồ mộc mỹ nghệ cao cấp Thái Yên (ở xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, vào mỗi độ tết đến xuân về, không khí ở làng nghề lại hối hả sản xuất, mua bán nhộn nhịp...

Làng nghề vào mùa

Chúng tôi về làng mộc Thái Yên một ngày giáp tết. Mặc dù tiết trời miền Bắc Trung bộ đang lạnh buốt, nhưng không khí lao động sản xuất, mua bán các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ tết, như: bàn ghế, đồ thờ tự, trang trí, lục bình... bằng nguyên liệu gỗ lim, dổi, gõ, săng vì, vàng tâm, kiền kiền... vẫn diễn ra nhộn nhịp. Tiếng máy cưa xẻ, tiếng đục đẽo, bào, phay; tiếng đánh nhám, sơn mài, véc-ni… cứ vang lên liên hồi khắp làng nghề. Trên các ngã đường chính ra vào làng nghề, nhiều ô tô bán tải, xe kéo thô sơ hối hả chở đầy sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ngược xuôi, tấp nập.

Làng nghề mộc Thái Yên cho ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong dịp tết

Ghé vào cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp Nga Thế do ông Nguyễn Đăng Thế làm chủ, chúng tôi chứng kiến nhiều ô tô bán tải và xe kéo đang đậu trước cửa chờ bốc bàn ghế chở về cho khách hàng đã đặt mua trước đó. Lái xe Trần Văn Hùng (38 tuổi, quê huyện Đức Thọ) cho biết, hàng năm, nhất là vào dịp tết, rất đông khách hàng ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… lại tìm về làng nghề này để lựa chọn, đặt làm các bộ bàn ghế gỗ, đồ thờ, lục bình, tủ…. Cũng nhờ đó nên cánh chạy xe thuê như chúng tôi mới có thêm việc làm, tăng thu nhập đáng kể trong mùa tết. Theo ông chủ Nguyễn Đăng Thế, cơ sở chỉ sản xuất hàng cao cấp, một bộ bàn ghế bằng gỗ mun có trị giá tới hàng trăm triệu đồng. Nguyên vật liệu chủ yếu mua từ các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng và nhập khẩu từ Lào, Indonesia...

Chị Võ Thị Long (59 tuổi, ở xã Đức Bình, huyện Đức Thọ, công nhân đánh giấy nhám và sơn dầu tại cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp Hoàn Hảo) tâm sự, hàng năm cứ đến gần tết là làng nghề lại sôi động, sản xuất ra hàng trăm, hàng ngàn bộ bàn ghế, tủ, đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp các loại. Nhờ sản phẩm của làng nghề đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên toàn quốc nên lượng khách tìm đến đặt hàng rất nhiều. Làng nghề này giải quyết công ăn việc làm với thu nhập khá cho hàng trăm lao động ở các xã Thái Yên, Đức Bình, Đức Thịnh… qua đó góp phần cải thiện cuộc sống.

Thương hiệu làng nghề

Theo một số người cao tuổi ở xã Thái Yên, làng nghề mộc Thái Yên đã tồn tại cách đây ít nhất 400 năm. Đến cuối thế kỷ 19, nghề mộc Thái Yên phát triển mạnh và rất thịnh vượng trong những năm đầu thế kỷ 20. Lúc đầu, chỉ làm những vật dụng thông thường như: mâm, khay, hương án... để thờ tự. Sau này các thế hệ trai làng Thái Yên nặng nghĩa với nghề truyền thống đã đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm về đóng bàn ghế, giường, tủ, sa-lông, tràng kỷ, lục bình… bán ra thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài ra, với bàn tay và khối óc tài hoa của mình, họ còn để lại nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt tác trong kiến trúc đền, đình chùa miếu mạo ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Yên cho biết, hiện toàn xã có 11 doanh nghiệp, 9 tổ hợp sản xuất và 33 cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp. Năm 2015, giá trị sản xuất tại cụm công nghiệp và làng nghề đạt khoảng 84 tỷ đồng, mỗi doanh nghiệp thu hút từ 15 lao động trở lên, nộp thuế trên 70 triệu đồng/năm… Năm nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có sự đầu tư về máy móc, đổi mới mẫu mã nên lượng khách đến đặt mua hàng trong dịp tết tăng hơn so với ngày bình thường, đây là tín hiệu vui cho làng nghề trong tương lai.

Sản phẩm của làng nghề Thái Yên ngày càng đa dạng, có nét độc đáo riêng về mỹ thuật, chất lượng nên đã tăng được tính cạnh tranh trên thị trường với các làng nghề gỗ mỹ nghệ khác trong cả nước.

Từ năm 2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng Cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tập trung tại làng nghề mộc Thái Yên với diện tích 5,5ha ở vị trí thuận lợi, cách quốc lộ 8A khoảng 500m. Đến nay, kết cấu hạ tầng Cụm TTCN đã được xây dựng khang trang, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã thuê hết mặt bằng và đầu tư xây dựng lán, xưởng, cửa hàng để sản xuất, kinh doanh hàng mộc. Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định công nhận làng nghề truyền thống mộc Thái Yên. Hiện xã Thái Yên cũng đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, mở rộng Cụm TTCN làng nghề Thái Yên lên 15ha, thành lập thêm 50 doanh nghiệp, hợp tác xã…

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục