Nga và dự án thay thế hệ thống hậu cần châu Âu

Theo trang mạng thông tin - phân tích Haqqin của Azerbaijan, trong năm 2023, Nga sẽ bắt đầu xây dựng Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế với số tiền đầu tư ước tính 2,8 tỷ USD, để thay thế hệ thống hậu cần châu Âu.
Bản đồ minh họa dự án Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế
Bản đồ minh họa dự án Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế

Giảm 50% chi phí

Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế là hệ thống giao thông dài 7.200km gồm đường biển, đường sắt và đường bộ giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu. Bài viết trên trang mạng Haqqin nêu rõ, 3 tuyến đường vận chuyển chính sẽ là: biển Đen với sức hấp dẫn kinh tế về cơ sở hạ tầng vận chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ; biển Caspi với điểm tựa là các nút giao thông ở Azerbaijan và Iran, cũng như Viễn Đông, nơi các cảng của Nga giáp Thái Bình Dương sẽ được kết hợp với các nhà ga đường sắt ở biên giới với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng tuyến đường này có thể giảm 50% chi phí và tiết kiệm 20 ngày di chuyển.

Trong nỗ lực nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng hậu cần mới, giúp tuyến Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế có thể hoạt động, Nga đề xuất thiết lập đơn vị vận hành quốc tế với Iran và Azerbaijan. Ước tính, khi thay thế các tuyến đường châu Âu, công suất Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế này sẽ tăng 135% vào năm 2030.

Sự chuyển hướng kinh tế sang châu Á của Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu vào năm 2011 và được nhấn mạnh lần nữa khi ông công bố Hiệp định đối tác Á - Âu mở rộng vào năm 2016. Từ năm 2011-2019, thương mại 2 chiều giữa ASEAN và Nga tăng 40%, trong khi thương mại 2 chiều giữa phần còn lại của châu Á với Nga tăng 56%. Đáng chú ý là trong 8 năm đó, thương mại giữa Nga và các nước châu Âu đã giảm 17%.

Đẩy mạnh hướng Đông

Theo Haqqin, Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế phù hợp với sáng kiến của Chính phủ Nga để tăng thương mại với các quốc gia châu Á. Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho biết, từ năm 2014, Nga đã nỗ lực thiết lập mạng lưới các thỏa thuận và kênh thương mại trên khắp châu Á có thể đóng vai trò là phương án dự phòng trong bối cảnh nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt. Đồng ruble mất giá và các hiệp định thương mại tự do đã được thiết lập sẽ mở đường cho Nga chuyển hướng sang châu Á.

Liên minh châu Âu từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 40% thương mại 2 chiều của khối này trước khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất từ năm 2019, trước đại dịch Covid-19, cho thấy thương mại của châu Á - bao gồm của cả Trung Quốc - với Nga đang tiệm cận thương mại với châu Âu, khi cả hai khu vực chiếm tỷ trọng tương đương nhau trong thương mại 2 chiều với Nga.

Chris Devonshire-Ellis, cố vấn đầu tư và là tác giả của báo cáo tình báo kinh doanh Russian Briefing, cho rằng: “Nga đang bận rộn chuẩn bị để thúc đẩy hơn nữa thương mại với phương Đông. Điều đó có thể diễn ra trong năm 2023 khi các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán với nhiều nền kinh tế châu Á thông qua Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) được hoàn tất”. Ông Devonshire-Ellis tin rằng các lệnh trừng phạt thương mại sẽ gia tăng kim ngạch thương mại Nga - châu Á và thúc đẩy Nga chú trọng hơn nữa việc chuyển sang các thị trường phương Đông cho xuất nhập khẩu của mình. “Có thể mất một thời gian để sắp xếp các nguồn cung thay thế, đặc biệt là đối với một số sản phẩm. Nhưng Nga đã đánh giá vấn đề này và theo tôi là đã đi trước một bước. Điều này sẽ có lợi cho châu Á”, ông Devonshire-Ellis nói. Đồng ruble mất giá cũng sẽ làm cho thương mại giữa Nga và châu Á trở nên hấp dẫn hơn.

Tin cùng chuyên mục