Chuyến thăm Áo là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin đến một nước phương Tây trong vòng 1 năm qua. Ông Putin sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen và Thủ tướng Liên bang Sebastian Kutz. Hai bên dự kiến thảo luận về quan hệ hiện nay và triển vọng sắp tới cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng toàn cầu. Tổng thống Putin cũng gặp gỡ doanh nhân 2 nước để thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi, tập trung vào lễ kỷ niệm 50 năm ra mắt dự án năng lượng quy mô lớn - nguồn cung cấp khí thiên nhiên từ Liên Xô sang châu Âu.
Quan hệ giữa Nga với các nước EU vẫn căng thẳng sau khi Nga sáp nhập Crimea cũng như liên quan đến các cuộc chiến ở Syria và miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, đảng Tự do của Áo (FPO) cực hữu đã kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt chống Nga. Chính phủ liên minh giữa đảng Nhân dân trung hữu và FPO là một trong số ít các chính phủ thuộc EU không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào trong vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh. Áo sẽ tiếp quản chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7 tới và muốn đóng vai trò cầu nối giữa Đông và Tây.
Hơn thế nữa, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU là cơ hội tốt để Nga tăng cường mối quan hệ với EU. Đường ống Nord Stream 2 trị giá 9,5 tỷ EUR (11 tỷ USD) gây tranh cãi cung cấp trực tiếp nguồn dầu khí từ Siberia cho Đức đang tiến triển bất chấp mối đe dọa trừng phạt của Mỹ. Dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2019. Các phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xuất hiện ở Berlin, Copenhagen và Brussels trong những tuần gần đây cảnh báo rằng đường ống Nord Stream 2 do Gazprom tài trợ sẽ khiến châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Nga về năng lượng. Người Mỹ lo ngại rằng tuyến đường ống mới sẽ khiến Nga bỏ đường ống qua Ukraine hiện tại. Bất chấp cảnh báo của Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic cho biết EU có thể bảo vệ các công ty tài trợ Nord Stream 2 là Royal Dutch Shell Plc, BASF SE, Uniper SE, OMV AG và Engie SA. Không rõ Mỹ sẽ xử lý dự án Nord Stream 2 như thế nào. Các biện pháp trừng phạt đầy đủ đối với những công ty tham gia dự án có thể ngăn cản họ làm ăn tại Mỹ nhưng cũng sẽ gây thiệt hại cho Washington. Vì vậy, Mỹ có thể chỉ áp đặt biện pháp động thái phù hợp hơn, như lệnh cấm đi lại đối với giám đốc điều hành các công ty này.
Bloomberg nhận định: Quyết định của Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đánh thuế nhập khẩu thép của EU đã khiến các đối tác châu Âu đặt thêm kỳ vọng vào đường ống mới của Nga. “Ông Trump đang buộc người châu Âu gần gũi hơn với người Nga”, Stefan Meister, chuyên gia Nga tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức tại Berlin, nhận định.