Ngầm hóa lưới điện và dây thông tin: Chung tay vì nét đẹp thành phố

Vẫn còn nhiều khó khăn…
Ngầm hóa lưới điện và dây thông tin: Chung tay vì nét đẹp thành phố

Nhiều năm trước, trên các tuyến đường của TPHCM, hệ thống dây điện, dây viễn thông, cáp truyền hình được treo chằng chịt trên các trụ điện làm mất vẻ đẹp của thành phố. Những năm gần đây, với chủ trương ngầm hóa lưới điện kết hợp với dây thông tin của UBND TPHCM, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã đi đầu trong việc ngầm hóa dây điện, dây thông tin... góp phần đảm bảo mỹ quan cho thành phố.

Thành phố đã đẹp hơn

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, giai đoạn 2011 - 2013 ngành điện lực đã hoàn tất 31 dự án ngầm hóa tại 6 khu vực (xung quanh Hội trường TP, chợ Bến Thành, các vòng xoay...) và 25 tuyến đường (với khối lượng 58km lưới trung thế, 108km lưới hạ thế). Trong năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, ngành điện lực thành phố đã hoàn tất tổng cộng 35 dự án (với khối lượng 121km lưới trung thế và 184km lưới hạ thế), đồng thời đang triển khai thi công 38 dự án (với khối lượng 179km lưới trung thế và 318km lưới hạ thế) và sẽ hoàn thành các công trình này vào cuối năm 2015. “Tổng cộng giai đoạn năm 2011 - 2015, tính lũy kế, ngành điện lực hoàn thành khối lượng khá lớn với 104 dự án ngầm hóa lưới điện và dây thông tin tại 62 tuyến đường (358km lưới điện trung thế, 620km lưới điện hạ thế), cơ bản hoàn thành khối lượng theo đề án ngầm hóa lưới điện được thành phố thông qua”, ông Bảo nói. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ ngầm hóa đã tăng đáng kể: lưới trung thế đạt 31%, lưới hạ thế đạt 13%. Đối với địa bàn quận 1 và 3, tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế đạt 90%; quận 5 đạt 80% và các quận 4, 10 và 11 đạt 70%... Chưa kể có 44 tuyến đường đã dọn sạch “mạng nhện” và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 18 tuyến đường được ngầm hóa lưới điện và dây thông tin.

Nhờ ngầm hóa lưới điện và dây thông tin, khoảng không tại giao lộ CMT8 - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 và 3) đã thông thoáng, sạch đẹp hơn

Theo dự kiến, khối lượng ngầm hóa giai đoạn 2016-2020 sẽ khoảng 650km trung thế, 1.150km hạ thế, trong đó riêng khu vực quận 1 và 3 sẽ hoàn tất ngầm hóa lưới điện (trên các tuyến đường có tên). Các quận như 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình… sẽ được cơ bản ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Các quận còn lại như 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân… sẽ được ngầm hóa đồng bộ với công trình mở rộng đường giao thông. 

Vẫn còn nhiều khó khăn…

Trong quá trình ngầm hóa lưới điện, sự phối hợp giữa các đơn vị điện lực và viễn thông với các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ. Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện - cáp viễn thông cấp thành phố được thành lập với sự chủ trì của lãnh đạo UBND TPHCM và sự tham gia của các sở, ngành liên quan, đơn vị thực hiện đã giúp các công trình ngầm hóa đảm bảo tiến độ đề ra. Một cách làm mới: ngành điện và các đơn vị viễn thông xây dựng hoàn tất quy chế phối hợp, tổ chức đấu thầu chung và chọn chung nhà thầu thi công đào, tái lập mương cáp nên không còn cảnh “kẻ đào, người lấp”.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn cần sớm tháo gỡ. Đó là thủ tục thỏa thuận tuyến, thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng từ các sở, ngành thời gian qua tuy đã cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn kéo dài thời gian giải quyết nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, gây nhiều phiền hà cho người dân và giao thông đô thị. Khi ngầm hóa đòi hỏi phải tái bố trí và lắp đặt các thiết bị như tủ RMU, tủ phân phối hạ thế trên trụ điện xuống vỉa hè. Thời gian qua, việc thi công lắp đặt các thiết bị này gặp rất nhiều phản ứng của một số hộ dân dù đã được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý hạ tầng theo quy định. Hiện ngành điện lực đã thực hiện việc tham vấn cộng đồng tại các phường, tổ dân phố trước khi thực hiện để cập nhật các yêu cầu hợp lý của người dân và tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc phối hợp ngầm hóa dây thông tin của các doanh nghiệp viễn thông còn rất chậm, ảnh hưởng tiến độ thu hồi trụ điện cũ. Một số đơn vị viễn thông còn trì hoãn, không có kế hoạch chuẩn bị vật tư, nhân lực để hạ ngầm dây thông tin. Để giải quyết khó khăn này, thiết nghĩ cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, như Sở Thông tin - Truyền thông để đẩy nhanh công tác ngầm hóa. Hiện công tác xã hội hóa đầu tư mương cáp điện và dây thông tin còn chậm. Ngành điện lực đã kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét, đề xuất trình thành phố có cơ chế để thu hút các đơn vị, kể cả các đơn vị không phải doanh nghiệp điện lực, viễn thông tham gia đầu tư mương cáp.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, trong thời gian tới, để thực hiện ngầm hóa lưới điện và dây thông tin đúng tiến độ, ngành điện lực sẽ báo cáo trình UBND TP và các cơ quan quản lý nhà nước thông qua kế hoạch ngầm hóa lưới điện và dây thông tin giai đoạn 2016 - 2020, phân kỳ theo từng giai đoạn năm 2016 - 2017 và 2018 - 2020 với khối lượng cụ thể theo từng năm, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư các dự án giao thông, cấp thoát nước lập kế hoạch, tiến độ thi công các dự án đồng bộ với việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin… Tất cả vì mỹ quan đô thị và môi trường sống ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình cho người dân thành phố.

LÊ CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục