Ngậm ngùi nhãn cổ Bạc Liêu

Bạc Liêu có giồng nhãn nằm sát phía biển. Đây là giồng nhãn đặc biệt nhất ĐBSCL không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn nổi tiếng về tuổi thọ. Những cây nhãn ở đây đều trên trăm tuổi nên người dân gọi là nhãn cổ. Lâu nay, chính quyền địa phương đã có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn, quy hoạch thành khu du lịch sinh thái khép kín nhưng vườn nhãn cổ ngày càng bị teo tóp dần.
Ngậm ngùi nhãn cổ Bạc Liêu

Bạc Liêu có giồng nhãn nằm sát phía biển. Đây là giồng nhãn đặc biệt nhất ĐBSCL không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn nổi tiếng về tuổi thọ. Những cây nhãn ở đây đều trên trăm tuổi nên người dân gọi là nhãn cổ. Lâu nay, chính quyền địa phương đã có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn, quy hoạch thành khu du lịch sinh thái khép kín nhưng vườn nhãn cổ ngày càng bị teo tóp dần.

  • Dấu tích thời khẩn hoang

Giồng nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230ha, chạy dài trên 11km đi qua các xã Hiệp Thành, Nhà Mát và Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu). Theo lời kể của những người dân nơi đây, giồng nhãn Bạc Liêu đã được trồng trên trăm năm trước. Ngày xưa, vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu.

Thân nhãn cổ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ làm củi.

Thân nhãn cổ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ làm củi.

Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Ngay sau đó, nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông, nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên.

Giồng nhãn Bạc Liêu nổi tiếng về giá trị lịch sử và nhân văn từ trăm năm qua. Nhãn Bạc Liêu tồn tại trên sự quy hợp của 3 nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer. Thật ra không phải bây giờ hay cuối thập niên của thế kỷ trước người ta mới biết đến giồng nhãn Bạc Liêu. Trước đó, giồng nhãn Bạc Liêu đã nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh.

Trong sách Bạc Liêu xưa và nay của Huỳnh Minh (xuất bản năm 1966), tác giả viết: “Lại nữa, trong đời bạn, ít ra cũng có một đôi lần nghe nói đến nhãn ngon danh tiếng của xứ muối? Bạn nếu có dịp về chơi xứ muối, xin hãy ra ngoạn cảnh ở vườn nhãn Bạc Liêu, sẽ được thích ý ngắm những vườn nhãn nơi đây giăng giăng san sát dọc theo bãi biển 9 – 10km. Lúc trước, cậu Hai Trần Trinh Đinh, con tỷ phú Trần Trinh Trạch, có cất nhà mát tại bãi biển này, dành khi nhàn rỗi, rủ nhau ra đây thưởng thức cảnh trăng thanh gió mát”. Đó là lúc đất giồng nhãn mới hình thành, con đường từ thị xã Bạc Liêu ra vườn nhãn phải đi bằng xe lôi, đất đỏ, chưa có đường lớn.

Về ấp Chòm Xoài, có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất xã Hiệp Thành. Tại đây có một cây nhãn do ông Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ, gốc to 2 người ôm không xuể. Ông Trương Kiết xem cây nhãn này như báu vật, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo. Trước đây, cây nhãn chỉ sống nhờ vào nước mưa nhưng vẫn xanh tốt và ra hoa kết trái.

Từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, từ đó chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm. Ước tính, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho 300-400kg/vụ. Những năm nhãn được giá, nhiều hộ dân có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt cả trăm triệu đồng.

  • Nguy cơ biến mất

Những năm gần đây nhãn trên thị trường liên tục rớt giá, cộng với sự già cỗi, thoái hóa, giống bị lẫn tạp và thường xuyên bị sâu bệnh tấn công nên năng suất nhãn giảm dần. Hiệu quả kinh tế thấp, hàng loạt nhà vườn đốn bỏ nhãn cổ chuyển sang trồng các loại cây khác, hoặc trồng các loại nhãn mới như xuồng cơm vàng, tiêu da bò... vừa cho năng suất cao, vừa quay vòng nhanh và có thể áp dụng 2 năm 3 vụ. Ngay cả vườn nhãn cổ của ông Trương Kiết cũng đã phá bỏ hơn 50% diện tích. Giồng nhãn cổ đang có nguy cơ biến mất.

Lang thang trong giồng nhãn ở các xã Hiệp Thành, Nhà Mát, Vĩnh Trạch Đông, đến đâu cũng thấy người dân đốn hạ nhãn cổ. Ông Trần Văn Mạnh, ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, có 5 công nhãn cổ vừa đốn hạ bán làm củi, làm đồ mỹ nghệ. Ông Mạnh cho biết do nhãn ít trái, giá rẻ nên người ta thi nhau đốn để trồng cây khác. “Ở đây ai cũng đốn hoặc tính đốn bỏ nhãn cổ, ngoại trừ các hộ sống cặp theo tuyến lộ tận dụng gốc nhãn để mở các điểm ăn uống, vui chơi, giải trí”, ông Mạnh nói.

Dễ dàng bắt gặp những tấm bảng rao bán củi nhãn ở giồng nhãn Bạc Liêu. Ảnh: Song Hỷ

Dễ dàng bắt gặp những tấm bảng rao bán củi nhãn ở giồng nhãn Bạc Liêu. Ảnh: Song Hỷ

Tương tự, bà Thái Thị Hen, xã Vĩnh Trạch Đông, nói: “Nghe nói giữ nhãn cổ để làm du lịch ai cũng mừng, cũng hy vọng đổi đời từ cây nhãn cổ. Vậy mà chờ cả chục năm nay vẫn chưa thấy triển khai? Vì vậy, nhiều người phải phá nhãn để lấy đất làm rẫy trồng rau, còn không thì trồng loại cây ăn trái khác cho giá trị cao hơn, chứ nhãn cổ một năm cho thu hoạch chẳng được bao nhiêu”. Cũng chính lý do này mà trong nhiều năm qua cây nhãn cổ tại các khu du lịch của TP Bạc Liêu thay nhau biến mất. Nhìn những cây nhãn hơn 100 tuổi bị đốn hạ, cành lá còn tươi xanh, nhiều người không khỏi ngậm ngùi.

Không khai thác được giá trị kinh tế, Bạc Liêu chuyển hướng sang khai thác du lịch đất giồng nhãn. UBND tỉnh Bạc Liêu đã đưa việc khôi phục vườn nhãn cổ thành điểm du lịch vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh. Ngành du lịch cũng thiết kế tam giác du lịch vườn chim - vườn nhãn - biển Nhà Mát. Tuy nhiên, đến nay, vườn nhãn vẫn chưa được đầu tư. Hiện tại điểm du lịch này vẫn chỉ có trên chục quán ăn và giải khát dọc theo hai bên đường do người dân dựng lên buôn bán tự phát. Và chính những chủ quán này là người tiên phong trong dịch vụ du lịch và bảo vệ khá tốt giống nhãn cổ của gia đình mình. Họ bảo vệ không phải để khai thác trái mà giữ lại dùng để làm bóng mát và mắc võng cho du khách vào quán giải khát.

Việc ban hành đề án để bảo tồn hơn 1.180 cây nhãn cổ may mắn còn sót lại là một chủ trương rất kịp thời của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, giải pháp để giữ cây nhãn cổ phải căn cơ hơn, không dừng ở việc tuyên tuyền mà cần giải quyết một vấn đề cơ bản: Làm gì để người giữ nhãn được hưởng lợi? Vì nhiều giải pháp đã được đưa ra trước đây chủ yếu là khẩu hiệu vận động, tuyên truyền là chính. Trong khi, đối với nhiều hộ nghèo tấc đất là tấc vàng.

Do vậy, việc bảo tồn nhãn cổ hiện nay, ngoài việc hỗ trợ người dân tăng thêm thu nhập từ nhiều mô hình sản xuất, giải quyết việc làm, cũng cần đến một cơ chế để quản lý đặc thù để bảo vệ cây nhãn cổ. Bởi nhãn cổ không còn là cái riêng, nó thật sự trở thành văn hóa, niềm tự hào chung của người dân Bạc Liêu, mảnh đất đã gắn chặt với cái tên giồng nhãn, nơi giữ gìn những giá trị văn hóa, chia sẻ bao ngọt bùi của một thời khai hoang mở đất.

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành Quyết định số 1275/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch”, với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Đây được coi là giải pháp để cứu những cây nhãn cổ may mắn còn sót lại. Tuy thế, tương lai của cây nhãn cổ như thế nào, có tiếp tục bị “chảy máu” nữa hay không, vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

MINH TRƯỜNG - SONG HỶ

Tin cùng chuyên mục