Phiên tòa xét xử lần 2 vụ án Công ty VN Pharma buôn bán thuốc chữa ung thư giả khép lại với mức án thích đáng cho các bị cáo. Nhưng đó chỉ là một trong ít nhất 4 vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma đã được xét xử, hoặc đã khởi tố và đang xem xét điều tra: vụ đưa hối lộ mà đích nhắm đến là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (đã xét xử); vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên quan đến việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada đã được Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố; Viện kiểm sát kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước tại Bộ Y tế; VN Pharma đã chi 14,1 tỷ đồng tiền “hoa hồng” cho các y bác sĩ, bệnh viện để “bôi trơn” bán thuốc, nhưng rốt cuộc không thể làm rõ số tiền này đi đâu…?
Nguyễn Minh Hùng cùng đồng phạm đã tạo ra một liên minh “ma quỷ” để tuồn thuốc giả vào Việt Nam, gặm nhấm thân tàn xác kiệt của người bệnh ung thư - đó là tội ác! Tội ác ấy đã được công lý chỉ mặt, đặt tên, phán xét. Trước đó, thuốc ung thư giả làm từ than tre của Công ty TNHH Vinaca cũng làm đớn đau bao phận người. Kết cục, TAND TP Hải Phòng đã tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Thu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinaca 22 năm tù giam và đồng phạm 17 năm tù giam. Còn cuối tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TPHCM đã bắt đường dây sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Đình Lạc Thư, Phó giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy và Lê Văn Khối, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt, chủ mưu… Danh sách những đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả đã bị phát hiện, xử lý nếu liệt kê… còn rất dài!
Đằng sau những “con quỷ” hút máu Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng phạm; đằng sau thuốc ung thư làm từ than tre Vinaca; đằng sau những đường dây thuốc giả còn là trách nhiệm những quan chức, viên chức đã được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ “bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Nhưng trách nhiệm họ ở đâu, có góp phần tiếp tay, dung túng cho tội ác? Để viên thuốc đến tay người bệnh là cả một quá trình kiểm duyệt: từ nhà máy sản xuất, nhập khẩu, kiểm nghiệm, cấp phép lưu hành… với hàng loạt hội đồng gồm những cục, vụ, viện. Nhưng rốt cuộc thuốc giả vẫn… lọt vô bệnh viện! Quả thực, nếu không có bàn tay “vấy bẩn” bao che, rất khó để hàng ngàn hộp thuốc giả tung ra thị trường hay vô bụng người bệnh. Thậm chí, những “bàn tay ma quỷ” tạo ra những “kỹ xảo” ngay trong những nghị định, thông tư về quản lý thuốc cho lợi ích nhóm… Trên tất cả những “lỗ hổng” quản lý thuốc hiện nay, không thể bỏ qua trách nhiệm của Cục Quản lý dược.
Không chỉ thuốc, ngay cả nguyên liệu làm thuốc, dược liệu y học cổ truyền, vaccine “dỏm” cũng là mầm móng gieo rắc tội ác. Năm 2016, dư luận bàng hoàng trước thông tin Bộ Y tế cho nhập hàng tấn hóa chất Sabutamol nhưng chỉ một số ít trong số đó được đưa vào sản xuất thuốc chữa hen phế quản, viêm phế quản, còn lại trộn vào thức ăn chăn nuôi để… tăng nạc. Năm 2011, 8 công ty dược phía Nam cùng lúc đứng đơn tố cáo Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu tiền chất ma túy Pseudopherine tăng đột biến. Một lượng lớn thuốc chứa tiền chất ma túy được mua bán lòng vòng và cuối cùng không biết đi đâu về đâu, hay đã được chiết xuất làm ra ma túy đá, gieo rắc tội ác ngấm ngầm.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thị trường thuốc giả là mối lợi nhuận “khủng” lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. WHO ước tính khoảng 10% lượng thuốc lưu hành trên thế giới là giả, trong đó dao động ở mức 30%-40% ở những nước đang phát triển và khoảng vài phần trăm ở những nước phát triển. Ngành dược Việt Nam hiện đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, nhưng năm 2017 giá trị nhập khẩu trên 2,8 tỷ USD; năm 2018 đạt khoảng 3 tỷ USD. Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường ngành dược Việt Nam sẽ đạt giá trị 7,3 tỷ USD trong năm 2020 - một thị trường “màu mỡ”.
Sự tăng trưởng của thị trường dược phẩm tỷ lệ thuận với xu hướng gia tăng bệnh tật và mô hình bệnh tật cũng thay đổi. Việt Nam đang phải đối mặt “kép” cả bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Thống kê sơ bộ của WHO, trung bình mỗi người Việt Nam chi 56 USD tiền thuốc mỗi năm, con số này sẽ lên đến 85 USD vào năm 2020 và 163 USD 5 năm sau đó. Trong số chi phí ấy, người bệnh đã có thể góp phần mua phải thuốc giả (!?).
Qua xét xử Nguyễn Minh Hùng cùng đồng phạm và một số vụ án nữa liên quan Công ty VN Pharma cho thấy quyết tâm phòng chống tội phạm trên mọi lĩnh vực, mọi ngành, không có vùng cấm; đồng thời cho thấy được “bộ mặt thật” yếu kém của ngành y tế trong quản lý buôn bán thuốc chữa bệnh - như thế là tiếp tay cho tội ác. Bản án tòa tuyên đối với Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn nêu trên cũng là sự nghiêm trị những “bàn tay bẩn” dung túng, bao che; để “thay máu” bộ máy quản lý ngành dược, rà soát để “trám” lại những kẽ hở trong những quy định hiện hành nhằm ngăn chặn hành vi gieo rắc tội ác!