(SGGP).– Trong cuộc họp về thực trạng khai thác giếng ngầm tại TP ngày 30-11, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, hiện nay việc quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan tại nhiều khu vực dân cư không được quản lý chặt chẽ. Do đó, để chấn chỉnh tình trạng này, ngăn chặn nguy cơ sụt lún nền đất, ngập nước, các quận huyện phải tăng cường kiểm tra, rà soát việc khai thác nước ngầm. Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo tận dụng trí lực để giải quyết vấn đề này, do đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải đầu tư nghiên cứu khoa học thích đáng.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, hiện nay trên toàn TP có hơn 257.000 giếng khoan khai thác nước ngầm, lượng nước sử dụng ước tính 582.000m³/ngày, địa bàn khai thác nhiều nhất là quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Theo các nhà khoa học, với lượng nước hiện có TP có thể khai thác 800.000m³/ngày, như vậy việc khai thác trên nằm trong ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cũng thừa nhận: Số liệu giếng khoan nêu trên được thống kê năm 2008, mặt khác cũng không kiểm tra hết được số lượng giếng khoan đã cấp phép và cũng chỉ ước tính số nước ngầm các hộ dân đã dùng hàng ngày.
Còn đại diện của Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM cho biết, hiện nay trong tổng số 15 khu công nghiệp và khu chế xuất thì có 4 khu công nghiệp sử dụng nước ngầm, 7 khu công nghiệp sử dụng hỗn hợp; việc khai thác lậu nước ngầm chắc chắn có xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng nhiều nước như xi mạ, thuộc da, chế biến thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Tài chỉ đạo việc quy hoạch xây dựng phải được nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp hiệu quả. Những nơi có vùng địa chất yếu, bị lún phải xem xét, cân nhắc giảm bớt tải trọng trên mặt đất. Hạn chế mật độ đô thị hóa, giảm xây dựng dày đặc, giảm mức độ bê tông hóa, nâng hệ số thẩm nước vào đất…
Hiện nay, TP đang rất cố gắng hạn chế những nguy cơ sụt lún, ngập nước bằng nhiều giải pháp như xây hồ điều tiết, giảm khai thác nước ngầm, chọn vùng quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng đô thị vệ tinh… nhưng việc này đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu và kinh phí. Đó là những vấn đề lớn TP đang rất quan tâm, đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan có các biện pháp giải quyết hiệu quả.
L.Thiện