Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép hợp kim và không hợp kim, có khả năng thép nhập khẩu sẽ sử dụng “chiêu” nhằm gian lận thương mại để vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cảnh báo, trong trường hợp nghi vấn gian lận về xuất xứ, các đơn vị cần chủ động xác minh hoặc chuyển nhanh thông tin, hồ sơ về Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan để cùng phối hợp. Trường hợp phát hiện sai phạm, cần tiến hành rà soát, kiểm tra sau thông quan đối với lô hàng tương tự, đồng thời báo cáo về Cục Điều tra chống buôn lậu để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh trong toàn ngành.
Trước đó, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép hợp kim và không hợp kim, các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau vào Việt Nam). Theo đó, mức thuế tự vệ đối với phôi thép là 23,3%, mức thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung, thay cho mức thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0% - 5% trước đây; trong khoảng thời gian từ ngày 22-3-2016 đến hết ngày 7-10-2016.
Nhà máy sản xuất thép Pomina. Ảnh mang tính minh họa Ảnh: Văn Nam
Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, việc áp dụng thuế tự vệ như trên có thể dẫn đến rủi ro, doanh nghiệp nhập khẩu thép sẽ tranh thủ đưa hàng về và mở tờ khai nhập khẩu trước ngày 22-3 để tránh mức thuế suất tự vệ mới. Đồng thời, các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo hàng từ các mã hàng này sang tên, mã hàng khác, có cấu tạo, kích thước nằm trong diện được miễn áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Mặt khác, có thể xảy ra tình trạng gian lận về xuất xứ của hàng hóa: Các lô hàng có xuất xứ từ những nước bị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ được mua qua một nước thứ ba nằm trong danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời nhằm trốn thuế. Trước đó, cùng với biện pháp về áp thuế tự vệ, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành; kiểm tra thực tế 100% đối với hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế 100% và lấy mẫu phân tích theo quy định với thép Trung Quốc (những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được) để xác định chính xác mã số, mặt hàng thuộc diện chống bán phá giá và mặt hàng thép chứa hợp kim bo có nguy cơ gian lận cao.
Theo tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn 3 - khu vực có hơn 90% sản phẩm thép nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi Bộ Công thương có quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ, những ngày qua thép nhập khẩu có tăng, nhưng không nhiều và cũng chưa phát hiện có tình trạng tăng đột biến để chạy thuế. Liên quan đến hiện tượng giá thép biến động thời gian gần đây, các đơn vị nhập khẩu thép Trung Quốc cho biết, từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 3, giá thép cuộn, dài nhập từ Trung Quốc đã tăng thêm hơn 100USD/tấn, từ 250USD/tấn lên 370 - 380USD/tấn vào đầu tháng này. Nguyên nhân giá thép nhập khẩu tăng là do Trung Quốc cắt giảm mạnh sản lượng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa cho biết, từ đầu năm 2016, thép thế giới đã nhích lên, đặc biệt là thép Trung Quốc. Tuy nhiên, giá thép trong nước tăng cũng không loại trừ xuất phát từ việc áp thuế bổ sung, bởi tâm lý đầu cơ, găm giữ hàng đợi đến sau ngày quyết định áp thuế nhập khẩu có hiệu lực. Nhận định về tác động từ việc áp thuế bổ sung đối với 2 sản phẩm thép nêu trên, một số chuyên gia kinh tế đề nghị, cần xem xét lại mức thuế nhập khẩu mới, bởi nếu áp thuế quá cao sẽ ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, bảo hộ không chính đáng và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong thời điểm hội nhập hiện nay.
LẠC PHONG