(SGGPO).- Ngày 14-6, phát biểu tại buổi họp về mạng lưới chuyên viên ozon khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương do Cục Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu đã phối hợp với chương trình Môi trường Liên hiệp quốc tổ chức tại TPHCM, ông Lương Đức Khoa, Điều phối chính chương trình bảo vệ tầng ozon, cho biết, Ngân hàng thế giới đã chấp thuận tài trợ cho Việt Nam 10 triệu USD để thực hiện giảm thiểu khí thải HCFC.
Dự kiến, đến tháng 9-2011, ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ ký kết với Ngân hàng thế giới để nhận toàn bộ số tiền tài trợ trên. Đầu quý 1-2012 sẽ chính thức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện cắt giảm việc sử dụng khí HCFC trong sản xuất sản phẩm.
Hiện đã có 12 doanh nghiệp chuyên sản xuất xốp cách nhiệt đang sử dụng khí HCFC – 141b tinh chất đã được chọn để nhận gói hỗ trợ tài chính trên. Tổng số tiền mà 12 doanh nghiệp nhận được bao gồm chuyển giao công nghệ sản xuất mới (từ sử dụng khí HCFC – 141b để làm xốp cách nhiệt sang hydrocacbon), thiết kế lại nhà xưởng… chiếm gần 90% tổng số tiền WB tài trợ. Số tiền còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng chính sách kiểm soát, tiến tới loại bỏ việc sử dụng khí HCFC; tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức công nhân và doanh nghiệp trong việc duy trì và vận hành dự án được hỗ trợ.
Đây là một trong những mục tiêu mà các nước thành viên Nghị định thư Montreal hướng tới nhằm loại trừ dân, tiến tới loại bỏ hoàn toàn sản xuất và sử dụng chất làm suy giảm tầng ozon trên toàn cầu. Việt Nam tham gia nghị định thư trên từ năm 1994. Cho đến nay đã loại bỏ hoàn sử dụng 500 tấn CFC sử dụng hàng năm. Đến năm 2015, nước ta cam kết loại trừ sử dụng 370 tấn khí HCFC.
Ái Vân