Ngân hàng VietinBank phủ nhận trách nhiệm

Bị cáo Huyền Như “chạy tội” cho cấp dưới
Ngân hàng VietinBank phủ nhận trách nhiệm

Phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

(SGGPO).- Hôm nay, 17-12, ngày thứ 3 phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh TPHCM chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân diễn ra với phần thẩm vấn về những “phi vụ” lừa đảo. Đại diện bên bị hại yêu cầu Ngân hàng VietinBank phải liên đới bồi thường, tuy nhiên ngân hàng này đã phủ nhận trách nhiệm của mình.

Bị cáo Huyền Như “chạy tội” cho cấp dưới

Trả lời thẩm vấn của HĐXX về việc chiếm đoạt của Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya (viết tắt là Công ty SBBS) 210 tỷ đồng, bị cáo Huyền Như khai nhận: Vào tháng 5-2010, thông qua người quen, bị cáo biết được Công ty SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh TPHCM với lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và phí ngoài hợp đồng từ 2%-6%/năm.

Từ ngày 18-5-2011 đến 31-8-2011, bị cáo Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty SBBS với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của ông Hà Tuấn Anh (Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) và Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè), đóng dấu giả của VietinBank chi nhánh Nhà Bè để huy động tổng số tiền 245 tỷ đồng, nhưng thực tế Công ty SBBS chỉ chuyển 225 tỷ đồng.

Để chiếm đoạt được số tiền 225 tỷ đồng của Công ty SBBS, bị cáo Như yêu cầu công ty mở tài khoản tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM. Khi Công ty SBBS chuyển tiền vào tài khoản của công ty này tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM, Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như đã vay trước đó, chiếm đoạt tổng cộng 210 tỷ đồng.

Bị cáo Huyền Như được dẫn vào phiên toà

Theo lời khai của bị cáo Như, các lệnh chi được bị cáo làm giả bằng cách giả chữ ký của chủ tài khoản và đóng con dấu giả của Công ty SBBS. Do vậy, Phạm Thị Tuyết Anh (vào thời điểm đó là giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM, bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”) không biết được sự giả mạo này.

Trước lời khai “gánh tội” cho cấp dưới của Huyền Như, để làm rõ bản chất sự việc, Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Quảng Đức Tuyên hỏi bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh: “Bà Vũ Thị Thơm quan hệ như thế nào với bị cáo?”, “Là mẹ chồng của bị cáo” - Tuyết Anh trả lời. Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: “Bà Thơm có công tác tại Công ty SBBS và có giấy ủy quyền nhận tiền từ Công ty SBBS không?” – “Dạ không” – “Bị cáo là giao dịch viên, khi thấy giấy của Công ty SBBS ủy quyền cho bà Thơm nhận tiền thì có biết lệnh chi cho mẹ chồng mình nhận tiền là giả hay không?” – “Dạ không”.

Đến đây, chủ tọa phiên tòa nhận xét: “Bị cáo không thể nói như vậy, bởi toàn bộ chứng từ đã thể hiện rõ việc này”. Đại diện Công ty SBBS cũng cho biết từ lúc mở tài khoản tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, công ty chưa bao giờ ủy quyền cho bà Thơm nhận tiền của SBBS.

Giải thích lý do nhờ mẹ chồng mở tài khoản tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (là tài khoản để bị cáo Huyền Như chuyển tiền của Công ty SBBS vào, sau đó rút ra chiếm đoạt – PV), bị cáo Tuyết Anh cho biết là để lấy chỉ tiêu doanh số cho phòng giao dịch và chuyển tiền tiết kiệm của cả gia đình vào tài khoản này; việc chấp nhận cho bị cáo Như dùng tài khoản này chuyển tiền của Công ty SBBS vào là vì bị cáo Như đề nghị cho muợn để chuyển tiền giúp khách hàng.

Được chủ tọa mời lên thẩm vấn, bà Vũ Thị Thơm nói không nhớ bao nhiêu lần ký giấy nhận tiền mặt, nhưng bà thừa nhận: “ký cho con dâu làm trái pháp luật”.

Nguyên đơn dân sự đòi Ngân hàng VietinBank bồi thường

Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (nay là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu) là một trong những nguyên đơn dân sự trong vụ án.

Từ ngày 13-7-2011 đến ngày 13-9-2011, bị cáo Huyền Như giả danh VietinBank chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn và ký 5 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu với VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Trong những hợp đồng này, bị cáo Như ký giả 4 chữ ký của Hà Tuấn Anh và ký giả 1 chữ ký của Võ Anh Tuấn, đóng dấu giả VietinBank chi nhánh Nhà Bè, yêu cầu Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu chuyển tiền vào tài khoản của công ty này mở tại Vietinbank chi nhánh TPHCM.

Tiếp đó, Như chiếm đoạt và chuyển 125 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu đến tài khoản một số công ty khác để trả nợ.

Tại  phiên tòa, ông Nguyễn Đức Thắng – Giám đốc Ban Pháp chế của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu yêu cầu HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, buộc Ngân hàng VietinBank liên đới cùng các bị cáo bồi thường số tiền công ty bị chiếm đoạt 125 tỷ đồng, cộng với lãi suất phát sinh đến ngày 15-12-2014 là 12,8 tỷ đồng, tổng cộng 137,8 tỷ đồng.

Tham gia thẩm vấn, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa hỏi ông Thắng rằng, vì sao khi ký các hợp đồng ủy thác, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu biết Huyền Như là Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TPHCM nhưng các nội dung liên quan đến thỏa thuận lại ký với VietinBank chi nhánh Nhà Bè, ông Thắng cho biết, công ty không cảm thấy có chuyện gì khác thường vì tin rằng trong cùng hệ thống VietinBank thì có thể giao dịch với bất kỳ chi nhánh, phòng giao dịch nào.

“Vậy tại sao hợp đồng ký với VietinBank chi nhánh Nhà Bè nhưng tiền lại chuyển vào tài khoản ở Phòng giao dịch Điện Biên Phủ?”, trước câu hỏi này của công tố viên, ông Thắng nói rằng vì công ty chỉ có một tài khoản mở tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

Giải thích vì sao trong đơn kháng cáo, công ty yêu cầu Ngân hàng VietinBank phải liên đới bồi thường do buông lỏng quản lý, ông Thắng trình bày: “Ngân hàng VietinBank hoạt động quản lý lỏng lẻo, không giám sát quy trình do chính VietinBank ban hành. Khi chuyển tiền của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu ra khỏi tài khoản của công ty, bị cáo Như không có bất cứ chứng từ nào. Vậy vai trò giám sát của VietinBank ở đâu?”.

Trả lời các câu hỏi do luật sư (LS) đưa ra về trách nhiệm của ngân hàng trong vụ án, đại diện Ngân hàng VietinBank viện lý do: tài khoản của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu mở tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ là tài khoản trái pháp luật(?!), công ty chỉ vì lợi ích cá nhân nên mới bị Huyền Như dẫn dụ, chính công ty mới là người buông lỏng quản lý. 

Đại diện Ngân hàng VietinBank tuyên bố ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm. Người đại diện của Ngân hàng VietinBank cũng thoái thác trách nhiệm của ngân hàng khi cho rằng trách nhiệm hình sự thì cá nhân nào vi phạm, cá nhân đó phải chịu, phiên tòa này không xem xét trách nhiệm dân sự.

Một nguyên đơn dân sự khác là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc cũng trình bày kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Ngân hàng VietinBank bồi thường, hoàn trả số tiền công ty bị chiếm đoạt là 170,3 tỷ đồng, cộng với tiền lãi phát sinh đến thời điểm này là hơn 13,9 tỷ đồng. Tương tự, viện lý do tài khoản thanh toán do Công ty An Lộc mở tại VietinBank chi nhánh TPHCM là chưa hợp lệ, đại diện Ngân hàng VietinBank cho biết, giữa ngân hàng và Công ty An Lộc chưa phát sinh quan hệ gửi - giữ tiền nên ngân hàng không chịu trách nhiệm.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

ÁI CHÂN

>>Truy hỏi trách nhiệm của ngân hàng

>> Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

>> Huyền Như xin xử án nhẹ cho đồng phạm

>> Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng - Công tố viên khẳng định quan điểm luận tội

Tin cùng chuyên mục