Đáng lo ngại vậy, song công tác phòng ngừa, ứng phó của chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân ở nhiều nơi đang bỏ ngỏ, khiến nguy cơ xảy ra hiểm họa tăng cao.
Chưa chủ động trong phòng ngừa, ứng phó
Vụ một cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bật gốc ngã đổ làm 1 học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương nặng vào sáng 26-5 cho thấy công tác phòng ngừa các rủi ro, tai nạn xảy ra trong mùa mưa ở TPHCM còn nhiều hạn chế, bất cập.
Dù đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa đưa ra nguyên nhân chính thức về vụ việc, tuy nhiên giới chuyên môn nhận định, việc cây xanh ngã đổ chắc chắn có tác động của thời tiết (mưa lớn khiến nền đất mềm), công tác theo dõi, chăm sóc cây xanh (mé nhánh, thay đất, phát hiện bệnh…) của ngành chức năng, đơn vị liên quan chưa đảm bảo.
Sau vụ tai nạn đáng tiếc nêu trên, những ngày qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố “giật mình”, ồ ạt cắt tỉa, mé nhánh, thậm chí đốn hạ hàng loạt cây xanh trong sân và khuôn viên trường… Điều này cho thấy, công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, rủi ro trong mùa mưa của lãnh đạo nhà trường, đơn vị quản lý cây xanh lâu nay chưa thực sự chủ động, chú trọng.
Không dừng lại trong khuôn viên trường học, giờ đây, nỗi lo cây xanh bật gốc, tét nhánh ngã đổ đè trúng còn hiển hiện trên nhiều tuyến đường, công viên… Tại TPHCM, mùa mưa đã bắt đầu gần 1 tháng nhưng hiện ở nhiều nơi, chính quyền cơ sở và ngành chức năng vẫn chưa xử lý các cây xanh có nguy cơ ngã đổ. Đơn cử, trên đường Trần Thị Ngôi, đoạn gần nút giao với đường 284 Cao Lỗ (phường 4, quận 8), 2 cây xanh có đường kính hơn 20cm bị chết khô, chực chờ gây họa người dân. Bà Thanh, nhà trên đường Trần Thị Ngôi, cho biết, 2 cây xanh trên bị chết từ trước Tết Nguyên đán 2020.
“Sợ cây khô ngã đổ nguy hiểm, chúng tôi nhiều lần điện báo phường nhưng không thấy xử lý, đốn hạ. Thứ bảy tuần rồi, mưa to kèm gió lớn làm một nhánh cây khô gãy đổ, rơi trúng một người mua ve chai. May mắn người này chỉ bị trầy xước nhẹ. Giờ ai đi qua giao lộ này cũng lo sợ”, bà Thanh lo lắng.
Rò rỉ điện, chập điện gây cháy nổ, điện giật chết người cũng là những rủi ro, sự cố có thể xảy ra và để lại hậu quả nghiêm trọng trong mùa mưa. Sau vụ điện rò rỉ tại trụ điện chiếu sáng, nhiễm sang nước mưa, làm chết một học sinh tại quận 5 vào năm 2009, ngành điện và ngành chiếu sáng thành phố đã thắt chặt hơn trong quản lý, kịp thời phát hiện sửa chữa, duy tu các hư hỏng.
Tuy nhiên, trên một số tuyến đường ở ngoại thành, vùng ven thành phố, công tác trên vẫn chưa được làm tốt, đặc biệt là trong mùa mưa. Hiện nay, dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua quận 12 và Bình Tân, nhiều trụ điện chiếu sáng công cộng trong tình trạng “há miệng”, bị trộm lấy cắp nắp đậy ở gốc trụ, lộ ra nhiều mối điện.
Tương tự, trên đường Phạm Hùng (phường 4 quận 8, đoạn trước Trường THPT Lương Văn Can) cũng tồn tại một tủ điện “lòi ruột”, nắp tủ bị bung, nhiều dây điện chắp nối bên trong thòng ra ngoài; mưa xuống, rất dễ xảy ra sự cố rò rỉ, chạm chập điện.
Tập trung xử lý triệt để các nguy cơ
Trao đổi với PV Báo SGGP về các giải pháp ngăn chặn nguy cơ cây xanh ngã đổ trong mùa mưa, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, hiện nay có nhiều đơn vị được phân công chăm sóc mảng xanh, cây xanh ở thành phố. Riêng với công ty, thành phố giao chăm sóc, bảo dưỡng gần 100.000 cây xanh các loại trên các đường phố lớn và công viên.
Những năm qua, thời tiết ở TPHCM diễn biến cực đoan, mùa mưa có nhiều đợt gió lốc lớn, rất dễ khiến cây xanh bật gốc, tét nhánh, ngã đổ. Để tránh và hạn chế những sự cố, tai nạn đáng tiếc liên quan đến cây xanh xảy ra, từ đầu mùa mưa, đơn vị đã kiểm tra tất cả các cây xanh trong diện quản lý. Những cây xanh sâu bệnh, cây có dấu hiệu đổ ngã đã được đốn hạ để trồng mới, hoặc mé nhánh, chăm sóc đúng kỹ thuật. Trong mùa mưa, công ty đã bố trí nhiều tổ nhân viên cơ động đi thực tế trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cây xanh có dấu hiệu ngã đổ.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết, phát hiện được những cây xanh sắp chết, bị bệnh. Bởi, một số cây bên ngoài tuy xanh tốt, cành lá xum xuê nhưng trong thân cây lại bị sâu bọ, ấu trùng đục rỗng, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Liên quan đến các cây xanh chết khô ở phường 4 (quận 8), ngày 1-6, đại diện UBND quận 8 cho biết sẽ yêu cầu Công ty TNHH Công ích quận kiểm tra, có biện pháp xử lý ngay.
Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TPHCM cho biết, để ngăn chặn các sự cố, tai nạn có thể xảy ra trong mùa mưa, đơn vị đã tham mưu Công an TPHCM kiến nghị UBND TPHCM yêu cầu các sở ban ngành đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan trong lĩnh vực quản lý. Trong đó, cần tập trung xử lý các vi phạm trong sử dụng điện, quản lý - chăm sóc cây xanh, các công trình gắn bảng quảng cáo; kịp thời khắc phục các hư hỏng. Các ban ngành, quận huyện cần đặt ra mục tiêu là phải xác định và xử lý bằng được các nguy cơ, không để sự cố đáng tiếc xảy ra.