Ghi nhận trong những tuần qua cho thấy, tình trạng trẻ mắc bệnh thủy đậu (trái rạ) xuất hiện rải rác ở các địa bàn quận, huyện tại TPHCM. Tuy nhiên, theo thông báo của một số cơ sở y tế ghi nhận ngày 17-2 thì hiện đã hết vaccine ngừa dịch bệnh thủy đậu. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ… cũng thông báo hết vaccine ngừa thủy đậu… Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm thường xảy ra dịch bệnh trái rạ và cao trào của bệnh dịch này thường rơi vào tháng 3. Vậy làm gì phòng ngừa dịch bệnh này? Sau đây là khuyến cáo của các chuyên gia y tế.
Dịch bệnh thủy đậu là gì?
Đây là căn bệnh lây nhiễm cấp tính phổ biến do virus có tên Varicella Zoster gây ra. Đa phần trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ.
Trẻ dễ bị lây nhiễm virus thủy đậu từ các bạn đồng trang lứa khác và hầu hết các trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em thường ở thể nhẹ, ít có những biến chứng nghiêm trọng. Thông thường, mỗi người chỉ mắc bệnh thủy đậu một lần trong đời. Người lớn mắc bệnh thủy đậu có thể có những chuyển biến nặng hơn so với trẻ em. Trẻ bị nhiễm virus do: Tiếp xúc với người có bệnh thủy đậu; hít phải không khí do người bệnh hắt hơi hoặc ho; tiếp xúc với nước mắt, dịch tiết từ mũi hay miệng của trẻ em khác bị nhiễm bệnh.
Trẻ sốt, cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, biếng ăn; đau bụng kéo dài một hoặc hai ngày; xuất hiện các nốt hình hạt đậu nhỏ, ửng đỏ và rất ngứa; những nốt đỏ căng phồng lên như nốt phỏng, bên trong có chứa chất dịch màu trắng đục...
Làm gì khi trẻ mắc bệnh?
Cho trẻ nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Thủy đậu sẽ tự biến mất trong một hoặc hai tuần. Để bớt ngứa, có thể đắp một miếng khăn mềm, mát trên những nốt thủy đậu, giữ mát cho trẻ; cắt tỉa móng tay để tránh trẻ làm tổn thương vùng da có thủy đậu, có thể tìm mua loại thuốc thoa da có chất kháng histamine tại nhà thuốc và thoa cho trẻ (nhớ đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng); duy trì việc tắm rửa, vệ sinh thân thể hằng ngày cho trẻ nhưng nhẹ nhàng tránh làm vỡ các nốt thủy đậu. Khi các nốt thủy đậu bị vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh methylen lên vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu trẻ bị sốt hoặc đau nhiều, đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất để được tư vấn. Không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị mắc bệnh thủy đậu, hãy đưa ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị.
Có vaccine phòng ngừa?
Bệnh thủy đậu hiện đã có vaccine dành cho trẻ em. Hãy đưa trẻ đến các điểm tiêm ngừa hoặc Viện Pasteur TPHCM để được tiêm phòng khi đủ 12 tháng tuổi. Trẻ em và người lớn nên tiêm 2 liều vaccine ngừa thủy đậu, liều thứ 2 cách liều thứ nhất sau 6 tuần. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Hầu hết bệnh thủy đậu tự hết sau 7 - 10 ngày nhưng rất ít trường hợp biến chứng nặng viêm não. Nếu trẻ không được quan tâm chăm sóc kỹ, để trẻ gãi vào mụn nước, mụn nước vỡ ra gây nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn, virus có thể xâm nhập thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan…, gây tình trạng sốt dao động, làm trẻ li bì, quờ quạng tay chân, co giật và có thể gây viêm não. Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị thì cũng để lại di chứng thần kinh như điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển.
GIA PHÚ