TPHCM hiện có khoảng 3.537 doanh nghiệp cơ khí, tăng khoảng 17% về số doanh nghiệp so với năm 2010. Thế nhưng, sự tăng trưởng này được đánh giá là không ổn định bởi phần lớn công nghệ, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
80% công nghệ, nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu
Sau hơn 10 năm được chọn là ngành mũi nhọn thì ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đang dẫn đầu nhập siêu kể cả dây chuyền sản xuất, nguyên liệu đầu vào và luôn trong tình trạng bấp bênh đầu ra. Phân tích về sự yếu kém của ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, cho rằng có 3 yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm cơ khí là chất lượng, giá cả và giao hàng, nhưng sản phẩm cơ khí của Việt Nam đều không thể đạt cả 3 tiêu chí này.
Cụ thể, với chất lượng, đối với những sản phẩm gia công từ phôi đúc hợp kim gang, thép, nhôm, đồng thì tại Việt Nam các doanh nghiệp còn rất yếu. Sản phẩm phôi đúc có chất lượng không đồng đều, chưa kể chất lượng sản phẩm còn bị ảnh hưởng do trình độ tay nghề của công nhân đứng máy. Lượng công nhân này thường không ổn định do nghề cơ khí đào tạo khó. Học sinh các trường trung cấp, cao đẳng ra trường không làm việc được ngay mà phải đào tạo lại.
Về giá cả sản phẩm thì không thể cạnh tranh nổi, do 80% dây chuyền sản xuất, nguyên liệu đầu vào, nhất là thép carbon chế tạo máy C30, C45, C50... đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Doanh nghiệp phải chịu đủ các chi phí kinh doanh của nhà kinh doanh máy, chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển... Yếu kém từ khâu sản xuất đến nguyên liệu kéo theo sản phẩm sản xuất không đạt chất lượng. Do vậy, tình trạng hàng giao cho đối tác bị trả làm lại nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của toàn ngành.
Ngành cơ khí phát triển không ổn định bởi dây chuyền sản xuất phải nhập từ nước ngoài. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Những năm gần đây, ngành cơ khí chế tạo có tốc độ tăng trưởng chậm hơn trước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2014 đạt 10,9%/năm, thấp hơn so với thời kỳ 2006 - 2010 là 17,3%. Hầu hết, các doanh nghiệp ngành cơ khí là các cơ sở sản xuất nhỏ, lại yếu kém về nguồn nhân lực cũng như năng lực tài chính nên việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra còn hạn chế. Ngành cơ khí vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt trong ngành. Một số công ty nhà nước vận hành khá hiệu quả nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành, nhất là về đổi mới trình độ công nghệ, thiết bị.
Đơn cử như Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, trong tỷ lệ tổng doanh thu của công ty thì doanh thu của ngành chủ lực cơ khí, chế tạo máy móc vẫn thấp nhất. Mặc dù đây lại là ngành nghề chính trong số 4 lĩnh vực ngành nghề mà công ty đang hoạt động.
Không tiếp cận được chính sách hỗ trợ
Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chưa sản xuất được các máy công cụ chuyên dùng cho công nghiệp mà phải nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài với chi phí đầu tư cao hơn nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia khác, đặc biệt là các ngành sản xuất vật liệu. Điều này đã tạo nên rào cản khá lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu các sản phẩm cơ khí nước ta chủ yếu gồm thị trường xuất khẩu sản phẩm linh kiện lắp ráp ô tô, máy công cụ và máy động lực phục vụ nông lâm ngư nghiệp, sản phẩm thiết bị điện cho các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, mẫu mã đơn điệu nên giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp phải thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động, năng suất, chất lượng không cao. Sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường nên cũng đang dần bị hạn chế về thị trường xuất khẩu.
Ông Đỗ Phước Tống cho biết, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ ngành nhưng hỗ trợ chưa đúng và không sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu máy móc, dây chuyền sản xuất được hưởng ưu đãi thuế 0%. Trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đóng thuế. Nguyên liệu sản xuất nhập khẩu về cũng phải chịu thuế... Chưa tính đến yếu tố chất lượng, chỉ nói về giá thành thì sản phẩm nội địa không thể cạnh tranh lại sản phẩm ngoại nhập. Do vậy, để cải thiện hiện trạng kém phát triển ngành cơ khí, trước mắt, Chính phủ cần điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép carbon dùng cho chế tạo máy là 0%. Về lâu dài, phải xây dựng chiến lược phát triển sản xuất thép carbon cao dùng cho chế tạo máy và các loại thép hợp kim.
Riêng đối với các loại sản phẩm phôi đúc từ hợp kim gang, thép, nhôm, đồng, cần có chiến lược đầu tư xây dựng các nhà máy đúc hợp kim, chế tạo phôi nguyên liệu đạt yêu cầu kỹ thuật. Về việc cải thiện công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ cụ thể của thành phố. Trong đó, cần thành lập công ty cho thuê tài chính với lãi suất hỗ trợ hoặc cho doanh nghiệp thuê mua máy móc thiết bị từ các công ty cho thuê tài chính với sự hỗ trợ bù lãi suất, tương tự như vay vốn ngân hàng, để doanh nghiệp có thể thuê mua máy móc thiết bị với nguồn lực tối thiểu vì đa phần doanh nghiệp ngành cơ khí là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng bộ được nhiều giải pháp trên thì mới mong giải quyết được sự tụt hậu của ngành cơ khí chế tạo hiện nay.
MINH XUÂN