Ngành công nghệ môi trường - Èo uột, manh mún

Lượng chất thải tăng nhanh và phức tạp
Ngành công nghệ môi trường - Èo uột, manh mún

90% chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt không thể kiểm soát được, không biết xử lý như thế nào và đổ ở đâu. Đó là khẳng định của PGS-TS Lê Thanh Hải, Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học quốc gia TPHCM tại hội thảo về hiện trạng và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam do Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam đã tổ chức ngày 7-12. Điều này xuất phát từ thực tế lượng chất thải công nghiệp ngày càng tăng nhanh trong khi ngành công nghiệp xử lý chất thải thì lại rất èo uột và manh mún.

Lượng chất thải từ các nhà máy tại TPHCM thải ra ngày càng nhiều. Ảnh: Kim Ngân

Lượng chất thải từ các nhà máy tại TPHCM thải ra ngày càng nhiều. Ảnh: Kim Ngân

Lượng chất thải tăng nhanh và phức tạp

Khẳng định quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM viện dẫn, tổng lượng chất thải nguy hại cả nước phát sinh khoảng 150.000 tấn/năm, chủ yếu tập trung khu vực phía Nam chiếm 64%. Và TPHCM là tỉnh thành có lượng chất thải phát sinh lớn nhất khi chiếm tới 50%/tổng số 64% lượng chất thải tại khu vực miền Nam. Ngành công nghiệp nhẹ cũng được xác định là nguồn phát sinh chất thải công nghiệp nguy hại lớn nhất chiếm 47%. Kế đến là ngành công nghiệp hóa chất 24%, và ngành luyện kim 20%. Còn lại là nguồn chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động y tế, nông nghiệp. Với chừng đó lượng chất thải phát sinh hàng năm cũng đã là nhiều và khó để có thể xử lý hết nhưng điều đáng nói là những con số này chưa dừng lại. Tính theo đà phát triển kinh tế như hiện nay thì đến năm 2015, tổng lượng chất thải sẽ tăng 35 triệu tấn. Trong đó có 22% chất thải sẽ là chất thải nguy hại. Lượng chất thải này sẽ có thành phần phức tạp hơn, khó phân hủy hơn và chính vì vậy mà việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

PGS-TS Lê Thanh Hải cho biết thêm, đáng lo ngại nhất là hiện trong tổng số chất thải nguy hại phát sinh, chỉ duy nhất chất thải nguy hại y tế được quản lý tương đối tốt. Còn lại là gần như chưa được quản lý. Thậm chí, có đến 90% chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt không biết đang đi về đâu, đổ nơi nào và xử lý ra sao. Điều này đã và sẽ là mầm họa cho môi trường không chỉ ở hiện tại mà còn cả nhiều thế hệ sau này.

Trên thực tế, Bộ Y tế đã cảnh báo, tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh ung thư ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm có đến 200.000 người mắc các bệnh liên quan đến ung thư và 75.000 người đã chết vì căn bệnh này. Nguyên nhân cũng được xác định một phần là do tiếp xúc phải chất thải ô nhiễm. 

Công nghệ xử lý quá lạc hậu, thô sơ

PGS-TS Lê Thanh Hải nhấn mạnh, chỉ với thành phần chất thải nguy hại hiện tại thì cũng đã rất khó cho ngành công nghiệp xử lý về môi trường. Đơn cử như công nghệ xử lý ắc quy chì, phần lớn các cơ sở xử lý rất thủ công. Theo đó, quy trình xử lý đơn giản chỉ là tháo nắp ắc quy, đổ axít rồi cắt bằng cưa. Sau đó, phân loại thủ công, đưa vào máy nghiền và đưa đến hệ thống phân tách nước. Nhìn chung, công nghệ xử lý loại chất thải này là rất thủ công hoặc bán thủ công dựa, phá dỡ bằng sức lao động. Do vậy, lượng lớn chất thải nguy hại trong quá trình xử lý phát sinh ra môi trường.

Tương tự, với chất thải điện tử, công nghệ xử lý cũng chủ yếu là sử dụng bàn phá dỡ đơn giản và sử dụng sức người để phân tách từng thành phần trong chất thải. Sau đó, với những thành phần có thể tái chế được thì bán lại cho đơn vị tái chế. Còn lại đem trộn lẫn vào chất thải sinh hoạt và chuyển đến các cơ sở chôn lấp. Công nghệ xử lý nhớt thải cũng vậy. Nhớt thải được chuyển qua gia nhiệt, kết tủa và ly tâm tách nước rồi lọc tinh và tái sử dụng…

Có thể nói, phần lớn công nghệ xử lý tại các cơ sở có chức năng thu gom, xử lý đều không đồng bộ. Nhiều chất thải chỉ mới xử lý được khâu tiền xử lý. Đặc biệt là đối với loại chất thải hữu cơ bền thì gần như tại nước ta chưa có bất kỳ cơ sở nào có công nghệ xử lý. Trong khi đó, đây là loại chất thải cực động, thường tồn tại vĩnh viễn trong môi trường. Và chất thải này thường theo các chuỗi thực phẩm đi vào cơ thể con người gây nên những căn bệnh quái ác. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng gia tăng bệnh liên quan đến dị tật thai nhi và ung thư.

Ông Nguyễn Thanh Sơn bức xúc, sở dĩ có thực trạng công nghệ lạc hậu trên vì phần lớn các đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại là công ty công ích địa phương hoặc đơn vị tư nhân nên quy mô đầu tư công nghệ không đồng đều, dẫn đến việc cạnh tranh không thực sự công bằng. Không ít đơn vị cạnh tranh, giành giật thị trường bằng mọi giá. Điều này khiến cho việc xử lý không tuân thủ đúng quy định giấy phép hành nghề, gây nên những hệ quả hết sức nghiêm trọng cho môi trường.

Không dừng lại đó, hiện quy định pháp lý đối với công tác giám sát, kiểm tra thực hiện chưa đi vào chiều sâu nên ở nhiều đơn vị xử lý vẫn có tâm lý đối phó với cơ quan chức năng. Ngoài ra, hiện chưa có quy định về quản lý chất thải là bùn thải nguy hại và không nguy hại nên các cơ quan chức năng không thể kiểm tra và xử lý được.

Để có thể hướng đến ngày càng hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng, Chính phủ cần có chính sách cụ thể về miễn giảm thuế và ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế; tổ chức xúc tiến các dự án công nghệ về tái chế chất thải. Riêng Quỹ bảo vệ môi trường cần hỗ trợ những dự án môi trường và nhất là tăng vốn vay với những dự án có quy mô lớn. Có như vậy mới dần hình thành ngành công nghiệp xử lý môi trường hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục