Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong nước đang có những bứt phá ngoạn mục: chiếm lĩnh thị trường nội, đẩy mạnh xuất khẩu nhờ vào chất lượng sản phẩm lẫn uy tín trên thương trường. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những kiểu làm ăn chụp giật, nếu các ngành chức năng không sớm vào cuộc, nguy cơ những doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính bị vạ lây là khó tránh khỏi.
Tăng lượng lẫn chất
Theo Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương, trong những năm qua ngành sản xuất kinh doanh công nghiệp thực phẩm có những bước đột phá cả về chất lẫn lượng. Trong đó, lĩnh vực bia-rượu-nước giải khát có bước phát triển và hiệu quả kinh tế cao, thu hút gần 40.000 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân cao, ở mức 8 triệu đồng/người/tháng, so với mức thu nhập trung bình của xã hội. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này chiếm 4,69% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Không dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ngày càng tăng, quy mô của ngành bia - rượu - nước giải khát luôn tăng mạnh: Năm 2012 toàn ngành có 1.242 DN sản xuất, tăng 475 DN so với năm 2000. Trong đó có 151 DN sản xuất bia với tổng năng lực sản xuất 3.913 triệu lít/năm, sản lượng năm 2012 là 2.832 triệu lít, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hầu hết các đơn vị sản xuất mặt hàng này đều áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng thời sản xuất theo quy mô công nghiệp đã và đang xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000...
Đối với ngành sữa, tốc độ phát triển nhanh, đến nay giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng. Mức tăng trưởng bình quân của ngành trên 20%/năm, tỷ suất lợi nhuận vốn đầu tư từ năm 2000 trở lại đây luôn cao hơn 15%; tốc độ tăng lợi nhuận trong giai đoạn từ 2001 - 2010 đạt 19,94%/năm.
Hiện nay, tổng năng lực sản xuất của toàn ngành sữa khá lớn gồm: sữa đặc có đường 796,2 triệu hộp/năm, sữa bột 101.500 tấn/năm, sữa thanh trùng và tiệt trùng 778.300 tấn/năm và sữa chua 150.800 tấn/năm. Sản phẩm của ngành phong phú, mẫu mã bao bì đa dạng với trên 300 chủng loại sản phẩm, chất lượng, khẩu vị ngày càng được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, công nghệ của ngành sữa được đầu tư với quy mô lớn, có trình độ công nghệ ngang bằng so với trình độ công nghệ tiên tiến của ngành sữa thế giới. Các nhà máy được đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ khép kín, tự động hóa từ khâu nguyên liệu cho tới khâu thành phẩm. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra luôn có chất lượng ổn định và đạt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Tương tự, tính đến nay ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật của Việt Nam có 37 DN sản xuất dầu thô và dầu tinh luyện. Năng lực sản xuất dầu thô 1.200 ngàn tấn nguyên liệu hạt có dầu/năm, năng lực sản xuất dầu tinh luyện 1.129 ngàn tấn dầu tinh luyện/năm. Năng lực tách phân đoạn toàn ngành 610.000 tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, hiện nay ở trong nước chưa phát triển được cây nguyên liệu có dầu nên hàng năm các DN chế biến dầu phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu dầu thô các loại để tinh luyện thành dầu ăn tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến dầu của Việt Nam chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân sinh và cho ngành chế biến thực phẩm như bánh kẹo, sữa, mì ăn liền... Năm 2012, sản lượng sản xuất dầu tinh luyện đạt 709.000 tấn, xuất khẩu 40.000 tấn. Từ năm 2000 đến nay, sản phẩm dầu của ngành tăng cả về số lượng và chất lượng. Sản lượng dầu tinh luyện tăng 2,1 lần, dầu thô tăng 1,6 lần so với năm 2000.
Ở lĩnh vực sản xuất bánh kẹo có khoảng 30 DN trong nước và hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ và một số công ty nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài. Sản lượng bánh kẹo năm 2012 đạt trên 100.000 tấn, tổng giá trị thị trường năm 2012 khoảng trên 8.000 tỷ đồng. Theo dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo trong giai đoạn 2011 - 2014 khoảng 8 - 10%/năm... Đáng chú ý, hầu hết bánh kẹo nhập khẩu, đều có giá rất cao so với hàng trong nước, trong khi chất lượng chỉ tương đương.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Mặc dù đã có những nỗ lực và gặt hái được thành quả bước đầu, tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bùi Trường Thắng, ngành công nghiệp thực phẩm còn nhiều bất cập. Cụ thể, nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được sản xuất (ví dụ ngành sữa đáp ứng được khoảng 25%); 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu; các nguyên liệu chính như Malt, hoa Houblon, chế phẩm Enzym... chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu. Do đó, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Một số DN nhỏ do địa phương quản lý, thiếu vốn nên làm ăn chụp giật, đầu tư thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn như công bố trên bao bì đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm của các thương hiệu uy tín. Ngành công nghiệp thực phẩm còn thiếu cán bộ chuyên sâu, có trình độ cao về công nghệ, kiểm nghiệm, cơ khí tự động... do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành và chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cũng như trong xử lý các tình huống công nghệ phát sinh...
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam cho rằng, ngành chế biến thực phẩm có số lượng DN tham gia khá đông so với các ngành kinh tế khác, đồng thời thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do mức độ cạnh tranh cao cho nên thị trường cũng tiềm ẩn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị các DN tuân thủ nghiêm pháp luật, đặc biệt là pháp luật cạnh tranh (tố giác DN vi phạm pháp luật cạnh tranh...) để tự bảo vệ mình cũng như bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng DN.
LẠC PHONG
| ||