Ngành công thương TPHCM: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương TPHCM trong năm 2021.

Doanh thu bán lẻ tăng 11%

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, dù các chỉ số công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tăng không bằng so với năm 2019 nhưng nhìn chung sự phục hồi sản xuất kinh doanh thể hiện rõ. Đến tháng 1-2021, quy mô sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng 34,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bước sang tháng 2-2021, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 24,6% so với tháng trước và giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến IIP tháng 2 giảm vì DN giảm số ngày làm việc do nghỉ Tết Tân Sửu 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 ước đạt 110.675 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 228.911 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 144.175 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,6%), chiếm tỷ trọng 63,0% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Tổng kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố (trừ dầu thô) trong 2 tháng ước đạt 7,37 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 5%). 

Kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2021, theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, là nhờ Chính phủ tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế các ngành, trong đó có thương mại, dịch vụ.

Ngành công thương TPHCM: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1 Sản xuất trứng gia cầm tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sở Công thương đã triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN, kích cầu tiêu dùng và kết nối hàng hóa, thực hiện tốt chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021 trên địa bàn TPHCM, ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19 tại các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm 237 chợ, 236 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ, đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. 

Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp

Để tiếp tục hỗ trợ DN duy trì đà tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh, trong năm 2021 ngành công thương tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến, trong đó, tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2021; nâng chất và đổi mới các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, công nghiệp hỗ trợ như hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu đầu tư, chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Tham mưu UBND TPHCM các giải pháp hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của TP giai đoạn 2021-2025; các DN có sản phẩm được bình chọn Thương hiệu Vàng TPHCM năm 2020. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa.

Mặt khác, sở sẽ tổ chức thường xuyên các buổi làm việc, tiếp tục và gặp gỡ với các DN, hiệp hội ngành hàng để phát huy vai trò gắn kết, từ đó nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong tháng 3-2021, sở phối hợp với các sở ngành chức năng tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa DN với lãnh đạo TPHCM, tạo điều kiện cho DN phản ánh những tâm tư, nguyện vọng để cùng tìm hướng giải quyết. 

Ngành công thương cũng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã được lãnh đạo TPHCM giao như thông qua Hội đồng Phát triển ngành công nghiệp TP, Hội đồng ngành logistics, Hội đồng ngành thương mại điện tử, triển khai 3 Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm TPHCM giai đoạn 2020-2030; đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển ngành thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển ngành công thương TPHCM giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; tạo điều kiện phát triển thành trung tâm mua sắm của cả nước và khu vực; tập trung quy hoạch hạ tầng dịch vụ để TP tiếp tục là trung tâm lớn nhất về hoạt động cảng, logistics và dịch vụ xuất khẩu miền Nam.

Sở Công thương cũng vừa kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chủ trương mở rộng Trung tâm Trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của TPHCM để DN nhỏ và vừa có điều kiện tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu năng lực cung ứng đến các đối tác trong và ngoài nước; kết nối cung cầu thường xuyên và trực tiếp với các đối tác để tiếp cận chuỗi cung ứng trong nước và các đối tác nước ngoài, làm cơ sở để phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.

Theo đó, sở cũng kiến nghị UBND TPHCM trình HĐND TP xem xét thông qua Nghị quyết ban hành quy định về hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn TPHCM (tại kỳ họp gần nhất). Qua tiếp xúc và nắm bắt tình hình DN trên địa bàn, Sở Công thương nhận thấy các DN đang có nhu cầu lớn tham gia các chương trình kích cầu đầu tư của TP, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ…

Tin cùng chuyên mục