Hết nghẽn mạng, nhắn tin tốn bộn tiền rồi lại chầu rìa xếp hàng mà vẫn không mua được vé. Nỗi gian nan mua vé tàu tết từ những năm trước vẫn đang tiếp tục lặp lại tại mùa cao điểm Tết Quý Tỵ 2013. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), cốt lõi của vấn đề là trong giai đoạn cao điểm vận tải, cầu đang vượt cung quá xa.
Giải thích về việc bán vé tàu qua website bị nghẽn mạng trong ngày đầu mở bán, trong báo cáo gửi lên Bộ GTVT, Tổng Công ty ĐSVN cho rằng, nguyên nhân do lượng người truy cập ngày đầu tiên cùng lúc quá đông bởi tâm lý ai cũng muốn mua được vé đúng ngày mình cần đi. Một nguyên nhân khác, do hacker phá - và đã được khắc phục ngay. Mặc dù đơn vị đã rút kinh nghiệm thuê đường truyền lớn hơn năm ngoái, đã kiểm soát được tình trạng tài khoản ảo và loại được 100.000 tài khoản ảo, quản lý chặt 28.000 tài khoản có nghi vấn đầu cơ nhưng khi cùng lúc hàng trăm người truy cập, mạng vẫn bị nghẽn.
Về việc tại sao không bán vé qua mạng, bán vé qua đại lý để người dân phải nhắn tin, xếp chỗ mua vé tại ga rất mất thời gian và tốn tiền, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh Tổng Công ty ĐSVN, cho biết, để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, hạn chế tiêu cực, Tổng Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn tổ chức bán vé chia cụ thể thời gian với từng luồng và đối tượng hành khách như hành khách mua vé tập thể, hành khách đi đường dài, hành khách đi ngắn đường, đồng thời áp dụng nhiều hình thức bán vé như bán vé tại ga, bán vé qua mạng, bán vé qua tin nhắn, bán vé qua điện thoại…
Cách chia thời gian, hình thức bán vé này là để đảm bảo mọi đối tượng khách hàng đều có cơ hội mua được vé. Riêng việc bán vé qua đại lý đối với vé đi các ngày cao điểm chỉ được thực hiện ở Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội. Với Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, do năm dịp tết 2012 có đầu cơ nên năm nay ngành đường sắt chỉ cho bán qua đại lý đối với vé trước, sau đợt cao điểm, còn vé đi trong gần một tuần cao điểm giáp tết thì không được bán. Không ít người đặt câu hỏi, vậy tại sao ngành đường sắt không nối thêm tàu, thêm chuyến để giảm áp lực dồn về mấy ngày tết?
Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, đây thật sự là một thách thức đối với ngành. Hiện mật độ chạy tàu trong những ngày này không thể tăng toa, tăng chuyến được nữa, do đường sắt Việt Nam vẫn là đường đơn, hơn nữa phương tiện toa xe trống cũng không còn. Trong khi đó, hành khách chỉ tập trung đi tàu vào một số ngày giáp tết, từ 22 đến 26 tháng chạp, mà trong những ngày đó ngành đường sắt đã huy động hết công suất. Một số chuyến tàu tăng cường chạy sớm lại không có ai đi. Thực tế hiện giờ vé chiều Sài Gòn ra các ngày 20, 21 và 27, 28 tháng chạp vẫn còn nhiều.
Về khả năng tái diễn tình trạng khó mua vé tàu tết, ông Nguyễn Hữu Tuyên khẳng định: “Bản chất ở đây là cung lệch cầu quá lớn trong một thời điểm ngắn nên rất khó giải quyết. Hiện nay ngành chúng tôi đang nghiên cứu dự án bán vé điện tử. Suôn sẻ thì tết 2014 mới có thể hoạt động”.
Có lẽ, vấn nạn vé tàu cuối năm không còn là vấn đề của riêng ngành đường sắt mà đòi hỏi Bộ GTVT tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao qua từng năm.
| |
Bích Quyên