Ngành giáo dục năm học 2022-2023: Nhiều thành quả nhưng không ít hạn chế, khó khăn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình trạng thiếu giáo viên, quá tải tại các trường học ở các thành phố lớn, các khu đông dân cư; phát triển văn hóa học đường chưa được chú trọng đúng mức...

Chiều 21-7, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2023. Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Bộ GD-ĐT; đại diện các đại học, trường đại học; giám đốc cùng cán bộ, chuyên viên của 63 Sở GD-ĐT trong cả nước.

Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2023

Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2023

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022-2023 là một năm học đầy khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT.

Đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai đánh giá đầy đủ, khách quan kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trên địa bàn và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đặc biệt, là sự quyết liệt của lãnh đạo các sở GD-ĐT trong tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về phát triển GD-ĐT trên địa bàn và sự chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ đối với giáo dục ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực GD-ĐT, tạo ra sự thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình trạng thiếu giáo viên, quá tải tại các trường học ở các thành phố lớn, các khu đông dân cư; phát triển văn hóa học đường chưa được chú trọng đúng mức; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh còn cần triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra...

* Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, năm học 2022-2023 là thời điểm cả ba cấp học đồng thời triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 10, lớp đầu tiên của giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học; tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 8, lớp 11 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10; hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6, 7, 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với các lớp còn lại thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bảo đảm tính kết nối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023 đạt thành tích cao; tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo nghiêm túc, an toàn.

Mặc dù vậy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp; phân công giáo viên đảm nhận các nội dung trong chương trình và xây dựng kế hoạch giáo dục đối với môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương của một số địa phương, nhà trường còn lúng túng.

Nhà trường chưa chủ động trong xây dựng phân phối chương trình các môn học theo tinh thần không nhất thiết phải chia đều số tiết/tuần, không nhất thiết phải dạy học ở tất cả các tuần nên gặp khó khăn trong bố trí giáo viên, xếp thời khóa biểu phù hợp với định mức giờ dạy/tuần của giáo viên. Cùng với đó, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh phát biểu

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh phát biểu

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết, hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên ổn định về mạng lưới và hoạt động. Nhiều trung tâm đã chủ động học hỏi, nghiên cứu nhu cầu người học, khai thác các chức năng của trung tâm để chủ động đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Một số trung tâm đã chủ động tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn lực giáo viên để sẵn sàng cho việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trung tâm bám sát định hướng đổi mới Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để chủ động tuyển dụng giáo viên còn thiếu hoặc cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung sẵn sàng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế, do chất lượng đầu vào thấp. Đội ngũ giáo viên biên chế dạy văn hóa tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên còn ít, chưa đủ về số lượng, chưa đủ về cơ cấu theo các môn học, đội ngũ giáo viên hợp đồng lao động không ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trung tâm còn thiếu thốn, ít được đầu tư xây dựng, mua sắm. Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững…

Tin cùng chuyên mục