Ngành kiểm sát quyết tâm cao trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) gửi câu hỏi tới Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Viện trưởng và Bộ trưởng đã có những chỉ đạo và biện pháp nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng?
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Bên cạnh đó, ĐB Mai Thị Phương Hoa cũng cho biết, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. ĐB đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?

Về giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, đây là vấn đề lớn, vĩ mô, liên quan đến nhiều cấp ngành. Dưới góc độ của ngành kiểm sát, Viện trưởng kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác. Đồng thời cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe…

Nêu quan điểm về bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết “đã trăn trở suy nghĩ và phát biểu một số lần ở các hội nghị khác nhau”. Ngành kiểm sát xác định tiếp tục quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương của Đảng trong đấu tranh hiệu quả với phòng chống tham nhũng tiêu cực, phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, đối tượng chủ mưu, vụ lợi chiếm đoạt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong thực tiễn có những trường hợp người ta thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, hoặc cấp trên gợi ý nhưng cấp dưới phải chấp hành, hoặc do cấp dưới tham mưu không chính xác, không đầy đủ, thì vi phạm pháp luật đó là sự rủi ro. Hoặc có yếu tố rủi ro, bất cập ngoài dự kiến, bất khả kháng.

“Những yếu tố đó, khi bị can chủ động khắc phục hậu quả, sửa sai, hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án thì chỗ nào áp dụng miễn, giảm, tha theo luật hiện hành là vướng. Điều 8 Bộ luật Hình sự, chỉ nói miễn, giảm, tha khi tính chất “gây hậu quả không đáng kể” nhưng quy định đó không định lượng nên rất khó áp dụng”, Viện trưởng trần tình.

Hay pháp luật hình sự có quy định miễn trách nhiệm có điều kiện, nhưng thực sự trong giai đoạn đất nước phát triển thế này, dù là lỗi do vô ý hoặc do khối lượng công việc lớn kiểm soát không được, không chủ đích chiếm đoạt, vụ lợi, hậu quả không lớn vẫn bị xử lý hình sự, nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật.

Theo ông Lê Minh Trí, với vụ án lớn như vụ Việt Á, các cơ quan có liên quan có nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương chính sách hình sự phân hóa làm 3 loại: xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự mà chỉ xử lý về mặt Đảng và hành chính.

“Nhưng đó là trong từng vụ án cụ thể với tính đặc biệt nghiêm trọng, nhiều đối tượng thì cơ quan chức năng tham mưu đề xuất thế, chứ còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa được”, người đứng đầu ngành kiểm sát trăn trở.

Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, đây là việc lớn, phải có đồng bộ, chủ trương, phân công nhóm những cơ quan ngành ngồi lại rà lại về chủ trương, chính sách pháp luật, hình sự để điều chỉnh đồng bộ.

Chế tài khung hình phạt tù nên giảm và tăng phạt tiền để đảm bảo vừa xử lý nghiêm chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro. Đặc biệt, Luật Đất đai hiện nay nhiều bất cập đang sửa; cán bộ có trách nhiệm xử lý những vấn đề liên quan đến đất đai thì rủi ro lớn, phải đồng bộ giải quyết.

"Cái này phải trở thành chuyên đề, có chủ trương của cấp có thẩm quyền để tháo gỡ. Có như vậy mới phát huy được tính năng động sáng tạo của cán bộ để phát triển đất nước", Viện trưởng Lê Minh Trí nhận xét.

Liên quan đến một vụ án cụ thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó cơ quan tố tụng đã bán tháo toàn bộ vật chứng (gỗ trắc), ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nhận định “đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự”. Theo ĐB, năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án, nhưng hơn 4 năm trôi qua vẫn chưa thấy khởi tố các bị cáo liên quan để xét xử.

ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị)

ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị)

Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời: “Vụ gỗ trắc, tôi nhớ đã trả lời tới lần thứ 9. Tôi biết đây là vụ án phức tạp. Nhưng đến giờ này, tôi vẫn khẳng định chưa có căn cứ kháng nghị”.

Bày tỏ không đồng tình, ĐB Hồ Thị Minh tiếp tục chất vấn: “Khi người dân sai thì chúng ta khởi tố, bây giờ những cán bộ liên quan đến vụ này chúng ta đã từng khởi tố vụ án năm 2019, nhưng đã hơn 4 năm rồi, các bị can liên quan vẫn chưa bị khởi tố”?

Bà Minh nói thêm, ĐBQH phải hỏi tới 9, 10 lần vì vụ án chưa được trả lời một cách thỏa mãn.

Tiếp tục khẳng định việc cơ quan chức năng cho bán lô vật chứng là “có hành vi vi phạm pháp luật”, nhưng Viện trưởng cho biết, theo nguyên tắc xử lý hình sự, muốn khởi tố vụ án, đặc biệt là khởi tố bị can, thì hành vi vi phạm pháp luật đó rõ hậu quả.

“Tới giờ này, chúng tôi đề nghị hội đồng định giá của Đà Nẵng, Quảng Trị cũng không được; Bộ Tài chính nói không thuộc thẩm quyền cấp bộ. Giờ chúng ta nghiên cứu xem đề nghị ai đây? Nếu không có kết quả giám định thì viện kiểm sát không thể ra quyết định khởi tố bị can được. Khó là khó cho chúng tôi như vậy, chứ không phải chỗ khác thì khởi tố, chỗ này lại không. Khi nào hội đồng định giá kết luận có hậu quả một cái là chúng tôi cho khởi tố, bắt giam ngay”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai)

ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai)

Tham gia tranh luận, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu vấn đề, viện kiểm sát thì luôn luôn phải chờ kết quả cơ quan khác (ví dụ như chờ kết quả của cơ quan giám định, còn nếu không có thì không thể thực hiện được gì…). “Phải chăng khi các yêu cầu của cơ quan kiểm soát không được các cơ quan khác thực thi thì viện kiểm sát không thể thực hiện được công việc?”.

ĐB Lê Hoàng Anh nhìn nhận đây là một vấn đề rất lớn và với các vụ án nhạy cảm, phức tạp, quan trọng, nếu viện kiểm sát luôn phải chờ các cơ quan khác cung cấp như vậy thì đây là “lỗ hổng về mặt pháp luật”. ĐB thẳng thắn đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết thực tế viện kiểm sát đã làm hết trách nhiệm trong vấn đề này chưa, hay chỉ ngồi chờ các cơ quan khác cung cấp?

Tin cùng chuyên mục