Tranh luận về giá trị tài sản tham nhũng cần thu hồi

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) dẫn chứng 2 bản án liên quan đến khu đất 812 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. “Đối với những vụ án còn bất nhất như thế thì trách nhiệm của đồng chí Chánh án như thế nào?", ĐB hỏi.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, sáng 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng là câu hỏi được nhiều ĐB đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

ĐB Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nhận định: “Một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi sản vẫn chậm. Vì sao?”.

Bên cạnh đó, cử tri phản ánh số lượng án khó thi hành không nhiều, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định xã hội; khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng trên?

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn

Cùng mối quan tâm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bình luận, thời gian qua việc thu hồi tài sản vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân. “Thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào?”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam, việc thu hồi không hoàn toàn triệt để.

“Theo tổng kết, 10 năm qua, chúng ta thu được khoảng 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng”, ông nói. Tuy nhiên, muốn thu hồi được tài sản thì các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, công tác chứng minh này không đơn giản. Do đó, cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình

Chia sẻ băn khoăn của ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan tư pháp, tuy đã đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, đoàn ĐB Quốc hội tăng cường quá trình giám sát để hạn chế tẩu tán, che giấu tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế...

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) hỏi, liên quan đến tài sản nhà nước trong các bản án, việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố. Nữ ĐB cũng đề nghị làm rõ vì sao tòa xử nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo.

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, khoa học pháp lý và luật pháp đều nêu rõ, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm xảy ra phạm tội. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và thủ đoạn cũng được tính ở cùng thời điểm; nếu tính hậu quả ở thời điểm khác thì không đảm bảo tính khoa học, thống nhất.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình

“Theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn, theo đó, từ nay tất cả các vụ án giá trị tài sản (để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo) đều được tính từ thời điểm khởi tố”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ. Tuy nhiên, khi thu hồi tài sản tại thời điểm thi hành án, sẽ tính toán thu hồi triệt để, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Chưa hài lòng với phần giải thích này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn chứng 2 bản án. Thứ nhất là bản án hình sự phúc thẩm ngày 15-5-2020 liên quan đến tài sản đất đai nhà nước tính theo giá đất tại thời điểm khởi tố. Tuy nhiên, bản án hình sự phúc thẩm ngày 29-11-2021 về khu đất 812 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM lại xác định thiệt hại tại thời điểm các bị cáo phạm tội. “Đối với những vụ án còn bất nhất như thế thì trách nhiệm của đồng chí Chánh án như thế nào? Và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có kháng nghị bản án để xử theo đúng với quy định pháp luật hay không?”, ĐB Kim Thúy chất vấn lại.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết hiện ông chưa có trong tay 2 bản án này nên sẽ tiếp tục nghiên cứu, trả lời cụ thể cho ĐB.

Tin cùng chuyên mục