Ngành may mặc thu hút FDI - Mừng và lo!

Việt Nam: Bến đậu mới!
Ngành may mặc thu hút FDI - Mừng và lo!

Những dự báo về “làn sóng” dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào ngành dệt may ở Việt Nam đã thành sự thật. Chỉ trong những tháng đầu năm 2010, hàng chục dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép. Việc thu hút đầu tư FDI là dấu hiệu vui đối với nền kinh tế nhưng chưa hẳn là tín hiệu mừng đối với ngành may mặc…

Phát triển nguyên phụ liệu giúp giảm giá cả đầu vào cho ngành dệt may. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Phát triển nguyên phụ liệu giúp giảm giá cả đầu vào cho ngành dệt may. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Việt Nam: Bến đậu mới!

Cùng với thời điểm chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức Olympic 2008, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều điều chỉnh cơ cấu phát triển kinh tế. Theo đó, chính sách chăm lo đời sống người lao động được nâng lên, chi phí sản xuất hàng dệt may ở Trung Quốc tăng cao. Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực dệt may kiếm nơi sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Họ đã tìm thấy Việt Nam.

Vào giữa năm 2008, nhiều đoàn DN từ lãnh thổ Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đã đến TPHCM tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành dệt may. Nhân công rẻ và tay nghề cao là hai yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư FDI lựa chọn Việt Nam làm “nơi lập nghiệp” mới. Dẫu được khuyến cáo thị trường lao động tại Việt Nam không còn rẻ như trước nhưng sức hút của một thị trường còn nhiều tiềm năng cho ngành dệt may như Việt Nam vẫn thật sự… hớp hồn họ. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2010, đã có 18 dự án FDI đầu tư vào ngành dệt may được cấp phép, với vốn đăng ký hơn 20 triệu USD.

Hiện nay, DN FDI đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu may mặc tại Việt Nam chủ yếu là các DN của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Trong hơn 2.000 DN dệt may tại Việt Nam, số lượng DN FDI chiếm gần một nửa. Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào những thị trường này cũng đang gia tăng vì nhiều nhà đầu tư cũng là những nhà thương mại, nhập khẩu hàng để bán tại thị trường của nước họ và có thể xuất khẩu sang một nước thứ 3.

Nhiều bất cập trong cạnh tranh

Tuy vậy, việc xuất hiện một “làn sóng” đầu tư mới vào ngành dệt may cũng đang đặt ra cho các DN Việt Nam thách thức không nhỏ, nhất là nỗi lo thiếu lao động. Việc có thêm nhiều DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Việt Nam càng làm tăng áp lực cạnh tranh thu hút lao động.

So với nhiều lĩnh vực đầu tư khác, dệt may không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, bởi phần lớn hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam là hàng gia công, giá trị thực mang lại thấp. Việc nhiều DN FDI ở lĩnh vực may mặc, da giày tại Việt Nam khai thua lỗ nhiều năm liền để né thuế rất đáng lo ngại. Theo thống kê của ngành thuế TPHCM, có rất nhiều DN FDI khai lỗ trong nhiều năm nhưng hoạt động sản xuất vẫn được duy trì, thậm chí vẫn được mở rộng. Đây là một bất công lớn cho các DN trong nước, vì DN FDI còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ, những bất cập này đang dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu dệt may, làm ảnh hưởng đến sự biến động của lực lượng lao động. Lĩnh vực dệt, nhuộm, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang rất cần đầu tư nhưng số lượng DN FDI đăng ký vào đây còn ít, chủ yếu vẫn là DN may mặc. Vì vậy, chúng ta nên ưu tiên và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục