
Trao đổi với báo giới hôm qua, 5-2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên (ảnh) đưa ra nhận định lạc quan rằng, nếu làm tốt công tác kinh tế hóa, tài chính hóa ngành tài nguyên môi trường thì ngành này có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước tương đương với nguồn thu từ dầu khí.
- PV: Xin Bộ trưởng giải thích về nhiệm vụ “kinh tế hóa, tài chính hóa ngành tài nguyên môi trường”?
Bộ trưởng PHẠM KHÔI NGUYÊN: Kinh tế hóa, tài chính hóa ngành tài nguyên môi trường là việc tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ với cơ chế quản lý phù hợp; đồng thời áp dụng công cụ kinh tế phù hợp theo cơ chế thị trường để nâng cao giá trị đóng góp của ngành cho nền kinh tế, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Năm 2008, chủ trương này đã phát huy kết quả bước đầu với khoản thu từ đất đai trên 30.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần trước đó. Nhưng cũng không chỉ đất đai, mà tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước rồi hệ thống dữ liệu thông tin tài nguyên môi trường… đều có thể biến thành lợi ích cụ thể đóng góp vào thu nhập quốc dân.
Ở nhiều nước làm tốt công tác này, nguồn thu từ tài nguyên môi trường có thể chiếm tới 30% thu ngân sách, nhưng ngành TNMT nước ta mới chỉ đóng góp khoảng 10% thôi, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển.
- Phải chăng việc hoàn thiện Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cũng hướng tới mục tiêu này?
Đúng vậy, và trong khi chưa sửa luật thì trước mắt là việc sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tập trung vào các quy định về giá đất, đền bù GPMB, tái định cư. Hướng chung là sẽ đẩy mạnh công tác đấu giá đất và điều chỉnh chênh lệch địa tô, muốn vậy phải tạo được quỹ đất sạch và xây dựng được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vừa “cứng” lại vừa “mềm”, nhằm “chốt chặt” diện tích nông, lâm nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng lại phải uyển chuyển trong xây dựng các khu dân cư.
- Bộ trưởng có đề cập đến phong trào 5 sạch của ngành tài nguyên môi trường, không chỉ riêng “quỹ đất sạch”…
Không chỉ riêng các quy định về đất đai mà tới đây Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản cũng sẽ được thiết kế theo hướng tạo ra “mỏ sạch” phục vụ đấu giá mỏ thu ngân sách cho Nhà nước. Công tác điều tra khoáng sản cũng cần được đẩy mạnh. Trước đây do trang thiết bị, khả năng có hạn nên chúng ta cũng chưa biết hết, biết rõ về tiềm năng khoáng sản của mình. Việt Nam không chỉ có nhiều loại khoáng sản mà còn có một số loại có trữ lượng vào loại nhất nhì thế giới nữa, vấn đề là khai thác như thế nào để vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường.
Ba cái “sạch” khác nữa là “môi trường sạch” vừa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, vừa góp phần tạo ra một nền kinh tế môi trường, trong đó có việc kinh doanh buôn bán quota phát thải chẳng hạn; số liệu, tư liệu “sạch” (hiểu theo nghĩa đảm bảo độ chính xác, minh bạch) phục vụ các ngành kinh tế xã hội. Lĩnh vực này bao gồm cả những thông tin dự báo khí tượng thủy văn. Dự báo tốt sẽ giúp tránh được những thiệt hại vô cùng to lớn cho cả cộng đồng. Và cuối cùng là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, người lao động trong sạch, vững mạnh trong toàn ngành.
Anh Thư ghi