Ngập do thi công dự án chống ngập - Vòng luẩn quẩn

Ngập do thi công dự án chống ngập - Vòng luẩn quẩn

Báo cáo với UBND TPHCM hồi tháng 2-2008 về kết quả thực hiện chương trình xóa, giảm ngập năm 2007 và chỉ tiêu xóa, giảm ngập năm 2008, Sở GTCC TPHCM có hứa: Trong mùa mưa năm 2008, sẽ không để phát sinh các điểm ngập mới cũng như không để xảy ra “điểm ngập do thi công”. Thế nhưng, mới vài ba cơn mưa đầu mùa, thành phố đã xuất hiện nhiều điểm ngập do thi công các dự án lớn với cả ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Vì sao?

Ngập do thi công dự án chống ngập - Vòng luẩn quẩn ảnh 1
Mưa ngập do ảnh hưởng công trình đào đường trên đường Điện Biên Phủ (Q10).

Không phải mới đây, mà từ mùa mưa năm 2007, tình trạng ngập nước do thi công đã xuất hiện tại nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM, khi cùng lúc TPHCM triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông, thoát nước lớn như: Dự án Vệ sinh môi trường TP, Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM, cùng với một số dự án sử dụng nguồn vốn trong nước khác.

Ngập nặng nhất là khu vực: đường 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Biểu- Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng… Đặc biệt, có những tuyến đường trung tâm thành phố như: Nguyễn Huệ, Lê Lai, Pasteur… xưa nay hiếm khi nào bị ngập nhưng mùa mưa năm rồi có nơi ngập sâu ở mức lịch sử- khoảng 1m!

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTCC TPHCM, năm qua, thành phố phát sinh 10 điểm ngập do thi công, nên nâng số điểm ngập của thành phố lên hơn 100 điểm.

Rút kinh nghiệm và để không bị động trong công tác chống ngập trong năm nay, từ năm 2007, Sở GTCC TPHCM đã chỉ đạo BQL các dự án xây dựng yêu cầu tất cả đơn vị thi công khi ngăn dòng chảy phải thực hiện phương án dẫn dòng sao cho đảm bảo với tiết diện cống đã ngăn để không ngập nước khi mưa xuống.

Trước mùa mưa này vài ngày, Sở GTCC TPHCM lại tiếp tục có văn bản “nhắc nhở” BQL các dự án tổng rà soát địa bàn thi công dự án để khai thông các vị trí chặn dòng kênh rạch, tuyến cống và cửa xả trước ngày 30-4 -2008; trong đó phải lưu ý đặc biệt các khu vực: vị trí chặn dòng cuối tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm, vị trí chặn dòng trên kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, các cửa xả vùng trung tâm, tuyến cống Trần Bình Trọng, các cửa xả dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tuyến cống đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) thuộc dự án Cải tạo và mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa do Khu QLGTĐT số 1 làm chủ đầu tư. Dù yêu cầu rõ như thế nhưng khi mưa xuống, những đơn vị thi công này vẫn để xảy ra ngập.

“Để thuận lợi cho việc thi công, khi thi công đến hạng mục cống, nhà thầu đã thực hiện biện pháp ngăn dòng chảy bằng cách đắp đập hoặc dùng bao cát bít 2 đầu cống lại để không cho nước tràn vào bên trong. Khi ngăn dòng, đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp dẫn dòng, hoặc kỹ thuật dẫn dòng chưa phù hợp, làm thu hẹp tiết diện của cống, cửa xả, kênh rạch thoát nước nên khi mưa lớn nước không thoát được”, ông Lê Toàn nói.

Ở một khía cạnh khác, ngập do thi công công trình còn có nguyên nhân do nhà thầu phải “chạy đua” với tiến độ dự án và chấp nhận sai phạm. Cụ thể là trường hợp của một nhà thầu Nhật không phá đập ngăn nước tại cửa rạch Bến Nghé theo yêu cầu của Sở GTCC (trước ngày 30-4) khi thi công Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP nên đã làm ngập nặng khu vực phường Cô Giang (quận 1) trong cơn mưa ngày 3-5 vừa qua.

“Dùng bao cát bít 2 đầu cống để ngăn dòng, khi làm xong lẽ ra đơn vị thi công phải mở ra liền để đảm bảo thoát nước nhưng nhiều nơi lại không gỡ ra liền để bít lối thoát. Vi phạm này chúng tôi xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cứ sai nên quan trọng vẫn là ý thức của đơn vị thi công vì lực lượng thanh tra đâu thể lúc nào cũng túc trực ở công trình để kiểm soát”, một cán bộ thanh tra Sở GTCC nói.

Tuy nhiên, một cán bộ lâu năm trong ngành thoát nước nhận định: Hệ thống thoát nước tạm để dẫn dòng thay thế chỉ có thể giải quyết được khi mưa nhỏ, trường hợp mưa lớn hệ thống này không đảm bảo. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Sở GTCC TPHCM cho biết: Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công tại những vị trí dễ ngập, ở những vị trí thi công không kịp sẽ tăng cường máy bơm để xử lý nước khi bị ngập cục bộ. Thậm chí nếu thấy quá bức bách, có thể phá bỏ một số điểm ngăn thi công để cho nước thoát!

Thế nhưng, khi phá bỏ điểm ngăn nước, chắc chắn tiến độ của dự án sẽ bị chậm lại. Vòng luẩn quẩn này rốt cuộc, vẫn chưa giải hết được!


VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục