So với những năm trước, tình trạng ngập nước trên địa bàn TPHCM đã giảm nhiều. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại hiện nay là trong khi các tuyến đường chính thoát cảnh ngập nước thì các tuyến đường nhánh, đường hẻm lại phải chịu cảnh ngập nước kéo dài do mưa và triều cường, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ngập kéo dài nhiều giờ
Những ngày đầu tháng 10, mưa lớn kết hợp với triều cường làm hàng loạt tuyến đường ở TPHCM rơi vào cảnh ngập nước. Trong số các tuyến đường bị ngập nước, phải kể đến là các tuyến đường nhánh, đường hẻm như các tuyến hẻm nối đường D1, D2, Phú Mỹ (Bình Thạnh), đường Chợ Lớn, một số hẻm trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6)… Bởi lẽ, mức độ ngập nước và thời gian ngập xảy ra rất nghiêm trọng.
Cụ thể, tại các tuyến đường Chợ Lớn, một số hẻm trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6), cơn mưa và đỉnh triều cường sáng ngày 3-10 đã tạnh nhiều giờ nhưng đến gần 11 giờ các tuyến đường trên vẫn còn ngập sâu trong biển nước, khiến nhiều xe gắn máy lưu thông bị chết máy, nhà cửa, hàng quán của người dân bị nước tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn. Tương tự, các tuyến hẻm nối với đường D1, D2, Phú Mỹ (Bình Thạnh), mỗi khi có mưa lớn hay triều cường là rơi vào cảnh ngập nước. Để thích ứng với cảnh sống chung với ngập nước, người dân khu vực trên đã phải trang bị sẵn hệ thống máy bơm để bơm nước ra ngoài. Một số khác còn cho xây gờ chắn trước cửa ra vào để ngăn nước tràn vào nhà.
Cần giải pháp mang tính toàn cục
Theo tìm hiểu, sở dĩ tình trạng ngập nước xảy ra ở các tuyến đường nhánh, đường hẻm nói trên là do hiện nay ở các trục đường như D1, D2, Phú Mỹ (Bình Thạnh), Nguyễn Văn Luông (quận 6) được nâng cấp nền đường lên cao. Trong khi các tuyến đường nhánh, đường hẻm này không được nâng lên với độ cao tương ứng dẫn đến tình trạng khi mưa xuống, các tuyến đường này thấp hơn so với đường chính nên trở thành những cái “hồ” chứa nước. Đặc biệt là khi có mưa lớn kết hợp với triều cường, nước từ trên trời đổ xuống và nước từ sông, kênh rạch tràn lên từ cống thoát nước dẫn đến tình trạng ngập kéo dài. Anh Nguyễn Văn Tân, ngụ đường Chợ Lớn, phường 11 quận 6 bức xúc: “Kể từ ngày tuyến đường Nguyễn Văn Luông được nâng cao, còn đường Chợ Lớn và một số tuyến hẻm nối với đường Nguyễn Văn Luông không được nâng lên tương ứng nên mỗi khi mưa lớn, nhất là khi mưa lớn kết hợp với những ngày triều cường dâng cao là cả khu vực xảy ra cảnh ngập nước kéo dài khiến mọi người không dám đi ra khỏi nhà”.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM), hiện nay, người ta đang nói nhiều về vấn đề quy hoạch của TP, trong đó có quy hoạch về cấp thoát nước, quy hoạch về xây dựng cốt nền là chưa ổn. Do việc giải quyết chưa mang tính toàn cục, mà chỉ mang tính cục bộ nên những tuyến đường lớn, những điểm ngập trước đây chỉ giảm bớt chứ chưa giảm hoàn toàn. Ví dụ như khu vực Cây Gõ, đường 3 Tháng 2… vẫn còn bị ngập. Ngoài ra, những đường lớn được đắp lên cao, trong khi những đường hẻm lân cận không được đắp lên tương ứng và cốt nền chưa thống nhất nên gây ngập.
Với cách làm theo kiểu thủ công này, đường nâng thì nhà ngập và ngược lại; đường này nâng thì đường kia ngập. Nghĩa là tổng trữ lượng nước thoát ra không giảm đi bao nhiêu. Nếu không có giải pháp thoát nước toàn cục là chưa ổn. Hướng thoát chính vẫn chưa giải quyết được là hướng Tây Bắc - Đông Nam. Vì vậy, để giải quyết tình trạng ngập nước, TP cần xem xét lại vấn đề quy hoạch về cấp thoát nước, về xây dựng cốt nền mang tính hệ thống.
Để hạn chế tình trạng ngập nước và thực hiện mục tiêu xóa ngập, giảm ngập trong những tháng cuối năm 2012, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đã đưa ra các giải pháp thực hiện. Cụ thể, nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp giảm ngập nước, từng bước xóa ngập trên địa bàn. Đồng thời, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở GTVT chủ trì trong công tác thẩm định hồ sơ liên quan đến các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư mới phải được quy hoạch cốt nền phù hợp, xây dựng hệ thống thoát nước kết nối đồng bộ trong khu vực…
| |
Đình Lý