Ngập ở vùng ven TPHCM: Không thể thờ ơ!

Ra ngõ thấy... ngập
Ngập ở vùng ven TPHCM: Không thể thờ ơ!

Hơn 10 ngày nay, khoảng 3.000 hộ dân ở xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi-một vùng đất được coi là có địa thế cao của thành phố,  khổ sở vì phải sống trong tình trạng ngập nước do việc làm đường bít hết đường thoát nước. Sự cố này càng làm cho dư luận quan tâm hơn đến chuyện ngập ở các quận, huyện ven thành phố.

Ra ngõ thấy... ngập

Ngập ở vùng ven TPHCM: Không thể thờ ơ! ảnh 1

Ngập nước do triều cường trên đường Phú Định, quận 8. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường ở những quận vùng ven như Tân Phú, quận 12, Thủ Đức… đã thường xuyên bị ngập sau mưa với những điểm ngập sâu đến hơn 50cm, nhiều nơi nước tràn cả vào nhà dân. Điểm thường xuyên bị ngập nặng là khu vực đường Lê Văn Quới thuộc phường Bình Hưng Hòa và Bình Trị Đông của quận Tân Phú. 

Sau những cơn mưa lớn, con đường này trông như… một dòng sông do bị ngập sâu gần 0,5m. Đã vậy, do thiếu hệ thống thoát nước, nước ngập từ đường lớn tràn vào các hẻm xung quanh, rồi đọng lại ở đó… rất lâu, có khi kéo dài cả tháng trời, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Anh Nguyễn Văn Cường-một người dân ngụ tại khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa đã phải than trời: “Hôi không chịu nổi. May mà tôi chỉ ở nhà có mấy tiếng đồng hồ chứ ở nhà cả ngày chắc chịu không thấu cái cảnh nước ngập và hôi thối như vầy”.

Tại quận 12, nhiều khu vực thuộc phường Thạnh Lộc và An Phú Đông, tình trạng còn bi đát hơn khu vực đường Lê Văn Quới bởi nhiều lúc  trời không mưa nhưng… vẫn bị ngập. Hệ thống bờ bao rạch Bà Cam, bờ bao rạch Giao Khẩu, bờ bao rạch Trùm Bích, rạch Quản... không chịu nổi sức nước triều cường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập lụt ở đây.

Phường Linh Đông, Tam Phú (quận Thủ Đức) năm nào cũng thế, cứ  vào mùa mưa là nhìn không khác gì… Đồng Tháp Mười. Nước mưa làm ngập sâu từ 0,4m - 0,5m phủ lên khoảng hàng chục hécta đất canh tác, hàng ngàn chậu mai kiểng và “san bằng” hàng trăm ao cá… ở đây.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phong, tổ 7, khu phố 2, phường Tam Phú đã phải đau đớn nhìn 3 ao cá tra nuôi gần một năm và 3 ao rau muống cùng hàng trăm chậu mai bị nước ngập làm hư hỏng. Đa số nông dân ở phường Hiệp Bình Chánh, Tam Phú đều sống nhờ vào vườn mai, cây kiểng, cây ăn trái và các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao khác nên tình trạng ngập nước ngày một trầm trọng đang làm cho họ lo lắng hơn bao giờ hết.

Tìm được nguyên nhân, biết được giải pháp nhưng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Ban Phòng chống lụt bão TPHCM cho biết: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại thành phố diễn ra khá nhanh, nhiều khu đất thấp ở vùng ven và ngoại thành bị san lấp, làm mất khả năng điều tiết nước, gây ra ngập úng ở các khu đất trũng thấp. Hàng năm, dù thành phố đầu tư gần chục tỷ đồng để duy tu sửa chữa, gia cố lại các tuyến bờ bao ở quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn…

Thế nhưng so với hệ thống kênh rạch chằng chịt hiện có của thành phố, số tiền trên chỉ đủ tu bổ những đoạn bờ bao xung yếu, nên năm nào cũng xảy ra sự cố vỡ bờ bao gây ngập úng. Đặc biệt trong những đợt triều cường lớn kết hợp với mưa to thì vùng bị ngập úng nặng càng rộng và kéo dài nhiều ngày, làm cho cuộc sống của người dân càng gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Công, các khu vực vỡ bờ bao gây ngập úng chủ yếu thuộc phạm vi đất của các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đặc biệt đất tại các công trình xây dựng dở dang hoặc đất của các doanh nghiệp, cá nhân mua đất nhưng chưa sử dụng.

Trong khi đó, công tác rà soát kiểm tra các tuyến bờ bao, nhất là những đoạn xung yếu chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, nên khi xuất hiện triều cường không lường trước được sự cố để chủ động phòng tránh. Nhiều nơi triều cường mới đạt mức 1,35m đã làm tràn bờ, vỡ bờ gây ngập úng, chứng tỏ bờ bao còn thấp, chưa được tôn cao, duy tu sửa chữa thường xuyên.

Để giải quyết tình trạng ngập úng do triều cường gây ra, thành phố đã đầu tư xây dựng dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn nhằm ngăn triều cường trên địa bàn huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp với tổng kinh phí đầu tư khoảng 315 tỷ 406 triệu đồng (vốn ngân sách Trung ương 117 tỷ 454 triệu đồng và vốn ngân sách thành phố 197 tỷ 836 triệu đồng).

Dự án được triển khai từ năm 2002 nhưng do tiến độ thi công chậm nên nhiều khả năng đến giữa năm 2008 mới hoàn thành. Bên cạnh đó, dự án bờ Đông sông Sài Gòn cũng đang được thẩm định để sớm triển khai phục vụ ngăn lũ, triều cường cho khu vực 3 phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước của quận Thủ Đức.

Vừa qua, thành phố đã có công văn yêu cầu các quận, huyện giao trách nhiệm và hướng dẫn các chủ đất (dự án xây dựng hạ tầng, khu dân cư, hộ dân) thường xuyên duy tu, gia cố bờ bao. Chủ đất nào không thực hiện sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể thu hồi lại đất theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, không hiểu sao, trước các nỗ lực ấy, tình trạng ngập ở các quận, huyện ven của thành phố vẫn diễn biến phức tạp?

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục