Tháng 4-1986, tôi có mặt tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An, thượng nguồn sông Đồng Nai. Lúc ấy, công trường đang vào giai đoạn thi công quyết liệt ở cả hai tuyến năng lượng và áp lực để đạt tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào năm 2007 nên cần rất nhiều nhân lực có kinh nghiệm. Bộ Xây dựng điều động gần 200 cán bộ kỹ thuật, công nhân Công ty Xây dựng số 5, vừa thi công xong Nhà máy xi măng Bỉm Sơn vào chi viện, trong đó có tôi.
Bốn tổ máy đều phát điện đúng tiến độ.
1. Sau gần 3 ngày nằm trên con tàu Thống Nhất, trưa một ngày đầu tháng 4-1986, chúng tôi đến TPHCM. Đã có một đoàn xe ca gần chục chiếc chờ sẵn, đón chúng tôi lên Trị An ngay. Đoàn quân chi viện đa phần là những chàng trai, cô gái mới lần đầu đến TPHCM cứ xuýt xoa tiếc, giá như họ cho mình đi thêm mấy kilômét nữa vào ga Hòa Hưng thay vì ga Bình Triệu, mới đổi phương tiện lên Trị An thì đã được biết thế nào là trung tâm hòn ngọc Viễn Đông rồi.
Trước khi chúng tôi có mặt tại Trị An, Tổng Công ty Xây dựng số 1, đơn vị chủ lực thi công tuyến năng lượng Nhà máy thủy điện Trị An, nơi tiếp nhận đoàn quân chi viện từ Bỉm Sơn vào đã phân công chúng tôi về làm việc tại Xí nghiệp lắp máy Chương Dương do anh Đoàn Văn Bến làm giám đốc.
Sau vài ngày ổn định nơi ăn, chốn ở, biên chế quân số chi viện vào các xưởng đội mới, chúng tôi ra công trường làm việc. Để giữ vững mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 1987 như tiến độ đã vạch, có nghĩa là chỉ 2 năm làm lễ khởi công, nước sông Đồng Nai phải hóa thành điện năng phục vụ con người. Quỹ thời gian ấy, từ trước đến nay chưa có công trình nào tầm cỡ công suất như thủy điện Trị An mà các nhà xây dựng dám hoạch định tiến độ thi công ngắn như thế. Chính vì vậy, người và của từ TPHCM, từ các tỉnh miền Tây, miền Đông cứ hàng ngày ùn ùn kéo về Trị An. Làng công nhân phủ kín các triền đồi xung quanh nhà máy…
Một chiều cuối tháng 4-1986, sắp đến ngày kỷ niệm 11 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đi từ dưới đáy móng đoạn cuối đường ống áp lực lên mặt bằng đi họp giao ban. Ngày nào dân kỹ thuật cũng họp giao ban với giám đốc và trưởng ca một lần. Chiếc thang sắt gần năm mươi bậc run rẩy ngân lên những âm thanh sắc lạnh. Vừa lên hết bậc thang cuối cùng, tôi gặp anh Trần Lễ, Anh hùng Lao động, quê gốc TPHCM, trưởng ca thi công chiều nay, mồ hôi ròng ròng chảy trên gương mặt sạm nắng gió đang ngước mắt nhìn trời. Nắm tay tôi kéo qua bờ đất, anh bảo:
- Trời này nhất định ngày mai sẽ nắng, ca 2, ca 3 đêm nay phải đôn đốc anh em công nhân các đội làm vệ sinh hố móng thật sạch, để ca 1 ngày mai nghiệm thu đổ bê tông. Để chậm phút nào là gay go phút ấy! Bất chợt mưa xuống lại đổ không biết bao nhiêu công sức vào đây...
Không chút đắn đo, tôi khẳng định nếu đêm nay không mưa, tôi hứa danh dự với anh, ca 1 ngày mai nhất định đổ được bê tông. Nhưng ngay bây giờ, tôi xin trưởng ca điều cho một cần cẩu để cẩu bùn đất lên, chứ vận chuyển thủ công chậm chạp lắm.
- Sẽ đáp ứng ngay. Sau bữa cơm chiều, tớ sẽ điều cho cậu chiếc DE 251 cần dài, đủ sức vươn xa. Nhưng có cẩu rồi phải cố gắng khai thác hết công sức của nó đấy nhé - anh Trần Lễ đáp.
Những tia nắng cuối ngày chênh chếch chiếu vào mặt anh Trần Lễ, làm cho nước da người thợ già sáng lên như đồng hun. Để từ một công nhân bình thường của chế độ cũ trở thành người Anh hùng Lao động thời kỳ mới, quá trình phấn đấu và trưởng thành ấy, cả một cuốn sách dày cũng chưa phản ảnh hết được. Với một ít dòng chữ trong bài ký sự này, tôi chỉ xin lẩy lên quãng thời gian từ ngày tôi được làm việc cùng anh Trần Lễ ở Xí nghiệp lắp máy Chương Dương tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An, công trình lớn nhất ở phía Nam sau 10 năm giải phóng.
2. Anh Trần Lễ vốn thuộc Xí nghiệp lắp máy Chương Dương tạm biệt TP lên công trường xây dựng thủy điện Trị An đợt đầu tiên, khi những vạt đồi còn phủ kín cây cỏ. Sau nhiều ngày tháng cùng đồng nghiệp cần mẫn bạt đồi, đào móng đến độ sâu 19m, đội xây dựng do anh Trần Lễ làm đội trưởng đã vinh dự nhận đổ mẻ bê tông đầu tiên xử lý nền móng nhà máy chính. Người thợ già ấy thấu hiểu được sự khát khao, mong mỏi dòng điện Trị An sớm phát lên lưới điện quốc gia của người dân TP mình. Anh cũng thấu hiểu dòng điện từ sông nước Đồng Nai phục vụ phát triển nền công nghiệp hiện đại của TP nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung xiết bao. Nên hàng ngày, giọt mồ hôi của anh và đồng nghiệp tưới xuống đá núi, đất đồi, bê tông… là nghĩ suy, là tình cảm của người đang nồng nàn yêu quê hương, đất nước, mà tôi gặp ở Trị An này.
Giao ban xong, tôi bước ra công trường, đúng lúc tiếng kẻng báo hiệu giờ nghỉ cho mọi người ăn cơm chiều ngay trên mặt bằng xây dựng. Cái không gian im ắng tạm thời của giờ giải lao giữa ca làm cho cảnh vật công trường đi đúng vào chiều sâu của nó. Những người thợ lau đi dòng mồ hôi đầm đìa khuôn mặt thành dòng trên tấm lưng trần bóng nhẫy và phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh nhà máy đang lớn lên từng giờ, từng phút. Buổi hoàng hôn êm ả trên công trường chứa đựng biết bao nghĩ suy sinh nở sống động.
Tôi bước xuống hố móng vừa chạm vào bậc thang cuối cùng thì gặp Nguyễn Đức Cung, đội phó đội xây dựng số 3 đang lúi húi thu dọn mấy cái xô múc bùn, hỏi ngay:
- Ông đi ca 1 rồi kia mà, sao ca 2 vẫn còn xuất hiện. Bộ mấy ông đội 3 định đánh ngày 2 ca hả?
Không trả lời tôi ngay mà trên môi chàng đội phó xấp xỉ tuổi 40 lại nở nụ cười tươi rói, xóa bỏ nếp nhăn trên gương mặt già trước tuổi. Xếp đặt lại mấy cái xô đúng vị trí, anh Cung mới xởi lởi:
- Hôm nay đội mình bắt đầu triển khai lắp dựng cốt thép ở khối móng 11. Phải vừa đôn đốc, kiểm tra anh em ngoài hiện trường, vừa vào xưởng cốt thép xem tiến độ gia công của họ thế nào. Vắt chân lên cổ chạy bở hơi tai thế mà ông Trần Lễ còn cau mày bảo làm thế này chậm quá. Cũng thông cảm với ông ấy, tiến độ các hạng mục đuổi nhau từng giờ. Bây giờ tớ phải tìm ông ấy xin thêm mấy cái máy hàn nữa.
Nói xong, Nguyễn Đức Cung thoăn thoắt ngước đường thang dựng đứng, không đợi câu đáp của tôi. Cái dáng to cao của anh như lao về phía trước. Những người thợ đội xây dựng số 3 đã bắt tay vào làm việc khi điện vừa sáng lên. Tốp thợ lắp cốt thép, tốp thợ chuyển cốp pha, tốp thợ định vị vị trí móng trụ tiếp theo… Công việc tiến triển hài hòa, nhanh chóng. Chứng tỏ người chỉ huy đã nghiên cứu tỉ mỉ bản vẽ, mặt bằng thi công, đề ra biện pháp thích hợp, tránh được những động tác thừa, hao sức người thợ. Nhìn những người thợ cần mẫn, đam mê, tôi hiểu bàn tay chai sạn kia đã có cả ngần tấn sắt thép đi qua mới có được tay nghề vững vững, thành thạo như vậy.
3. Ánh lửa hàn rực lên nhấp nhoáng, như những con dao sắc chia cắt không gian thành nhiều khối hình khó tả. Những tấm lưng trần của người thợ đỏ bóng len dưới ánh điện. Tôi xin được có đôi dòng viết về những tấm lưng trần của người thợ xây dựng thủy điện Trị An. Giữa cái không gian ngùn ngụt nóng, nắng như ngàn mũi kim chích vào da thịt mà có đến 80% thợ già, thợ trẻ hầu hết quê quán TP đều cởi phăng áo, phơi tấm lưng trần của mình cho nắng, cho mưa. Bạn bè từ Bắc vào chi viện cùng tôi, khi soi vào tấm lưng trần của người phương Nam đã xuýt xoa thán phục: “Họ làm việc với nỗ lực như vậy, chỉ 2 năm tổ máy số 1 của thủy điện Trị An đã phát điện là điều hiển nhiên thôi. Chưa ở công trường nào, mình gặp những con người xoay trần ra, lo lắng công việc chung như công việc nhà mình như ở Trị An này…”.
Và tôi cũng đã thử học theo họ, cởi áo ra phơi tấm lưng trần giữa nắng mùa khô, nhưng mới có dăm phút da thịt đã bỏng rát rồi. Không chịu được tôi phải chạy ngay vào phòng giao ban đứng quay lưng vào cái quạt, mở hết số mà vẫn cảm thấy cái nắng còn đeo đuổi theo. Một lần trò chuyện với Tiến, cậu thợ tuổi hai mươi, nhà ở quận 6, khi tôi hỏi: “Tại sao các bạn lại khoái cởi trần, dầm mình trong nắng như thế?”. Tiến tếu táo đáp: “Không phải bọn em khoái để cho mặt trời thiêu đốt da thịt, đầu óc mình đâu. Nhưng mặc áo làm việc, em cứ thấy vướng víu thế nào ấy. Thôi thì cởi quách nó ra cho thoải mái, chịu khó cực khổ vài năm, khi dòng Đồng Nai hóa thân làm điện, trở về TP đi đánh bóng, mạ kền lại, đẹp ngay ấy mà. Với bọn em hôm nay điều hạnh phúc nhất là mỗi ngày thấy công trình ngạo nghễ vươn cao…”.
Thành thật giãi bày, tôi là người đã tham gia xây dựng nhiều nhà máy lớn nhỏ ở các tỉnh phía Bắc, 1 năm có đến hơn 300 ngày sống giữa thiên nhiên mưa nắng, lúc nào trên đầu cũng là bầu trời mênh mông, tạo cho con người có một cái nhìn phóng khoáng và luôn khao khát ngày mai mình sẽ được đến một tầm cao mới, hiện đại lớn lao hơn. Nhưng đến với thủy điện Trị An này, tôi ngạc nhiên khi bắt gặp một công trình tầm cỡ như thế mà lại là công trình kết hợp hài hòa giữa nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng bào TPHCM và các tỉnh Nam bộ, ngoài động viên lớp lớp con em mình lên Trị An còn lo quyên góp, dành dụm, tiết kiệm từng ký đường, hộp sữa… gửi lên giúp đỡ người thợ. Từng đoàn cán bộ, nhân dân từ các quận huyện TPHCM vẫn đều đặn đến Trị An thăm con em, thăm tiến độ xây dựng nhà máy… Tôi sẽ chẳng thể nào quên được ánh mắt, giọng nói rưng rưng của nhiều bà má tóc đã bạc trắng khi đến thăm công trường, thấy chúng tôi bì bõm trong bùn đất giữa nắng mưa đã nắm tay từng đứa bày tỏ sự vận động bà con phố phường quyên góp nhiều hơn nữa, để bữa cơm của người thợ có thêm thịt, cá… Với những người thợ như thế, với tấm lòng thảo thơm của người dân gửi về công trường như thế, cả bốn tổ máy của Nhà máy thủy điện Trị An đã phát điện đúng tiến độ vượt thời gian hoạch định, đưa nguồn năng lượng về đánh thức hoài bão ước mơ của các miền quê…
PHẠM MINH DŨNG