Ngôi nhà này, chính anh em Hải cũng lên kế hoạch xây dựng lại trong lúc ba nó đang xanh xao trong cánh rừng già vốn là chiến trường năm xưa để tìm hài cốt đồng đội. Ông đã không gánh vác chuyện gia đình kể từ lúc thằng Hải tốt nghiệp.
Mẹ Hải kể, sau chiến tranh biên giới, ông trở về quê với gia tài duy nhất là chiếc ba lô sờn cũ nhưng dưới đáy cất kỹ một bộ quần áo bộ đội mới nguyên, chưa mặc lần nào. Bộ đó mãi về sau ông mới lôi ra dùng khi đi biển. Ông giải thích, thời chiến, lính tráng cũng thường tin vào những cái dớp nghe qua tưởng vớ vẩn. Ví như mặc quần áo mới chẳng khác nào chuẩn bị cho lần ra trận cuối cùng. Người đồng đội tên Tuấn của ông đã hy sinh trong bộ đồ mới được cấp, lúc ấy đã nhuộm màu máu đỏ thẫm. Ông nhớ mình đã dìu Tuấn một đoạn sau khi anh bị trúng đạn ở chân và bụng. Trước khi trườn đi làm nhiệm vụ, ông ngoảnh lại cố ghi nhớ vị trí gò đất có cái cây khô trơ trọi, nơi bạn mình trút hơi thở cuối cùng.
Như những người lính thời bình, ông chật vật mãi mới cưới vợ, rồi lần lượt hai anh em Hải chào đời. Trách nhiệm làm cha đè nặng, ông lao vào biển với cuộc mưu sinh khắc nghiệt. Bao đêm lênh đênh trên sóng, người cha tằn tiện đủ nuôi đứa con lớn vào giảng đường. Đến khi Hải chuẩn bị thi đại học, ông không thể đi biển được nữa vì xương cốt rệu rã. Các ngón tay tự dưng co quắp, đi khám bao nhiêu chỗ vẫn không tìm ra cách chữa trị. Ngày bạn tôi cắp ba lô vào TPHCM học, ông cũng lỉnh kỉnh xoong nồi theo sau, quyết định bán vé số nuôi con ăn học nên người.
Hai cha con kiếm được một phòng trọ rẻ nhất thành phố, vỏn vẹn 6m2, mùa hè nóng như thiêu, đụng vào món đồ nào cũng phải rụt tay lại. Vậy mà lúc trời nóng nhất, ông cũng chẳng được ở trong nhà, vẫn lê bước ngoài đường ráng bán hết tập vé số. Khi Hải vào năm hai, hai cha con tìm được một chỗ mới tốt hơn, đó là căn phòng bảo vệ của một trung tâm văn hóa quận. Căn phòng nhỏ hình lục giác nắng nóng chẳng thua kém phòng trọ cũ, nhưng miễn phí. Miễn phí với điều kiện phải gọn gàng đến vô lý. Ban ngày, nhân viên qua lại, hai cha con không được phép trải chiếu nằm nghỉ ngơi. Xoong nồi nấu xong cất ngay vào thùng carton. Mỗi ngày, Hải phải dậy từ 4 giờ sáng để quét tước tầng trên, tầng dưới của trung tâm, tổng cộng 10 phòng.
Hải lẳng lặng làm công việc ấy trong suốt mấy năm chẳng than vãn câu nào, kể cả lúc ba càm ràm: “Con uống nhiều nước quá phải đun tốn điện, sợ người ta quở”. Đến năm tư đại học, tôi với Hải cùng đi thực tập ở một tờ báo. Trước đợt thực tập, thầy cô phát cho mỗi đứa 200.000 đồng làm “vốn”. Nó quay quắt suy nghĩ mãi rồi rủ tôi đi mua một đôi giày cho ra dáng người sắp bước vào cơ quan báo chí. Hải chở tôi đi vài lượt trên đại lộ nổi tiếng có nhiều tiệm giày, xong lại quyết định tấp vào lề đường - nơi gã bán dạo đang bắc loa rao “giày xịn chỉ 140.000 đồng”. Đôi giày xịn của nó đi được đúng 2 bữa thì há mõm. Ba Hải lấy keo con voi tỉ mẩn dán cả đêm, giày vẫn chưa hết toang hoác. Hôm sau, ông mua cho con đôi giày khác, không xịn nhưng chắc. Đôi giày há mõm, ông vẫn mang khắp phố phường đi bán vé số hết ngày này qua tháng khác.
Hôm Hải tốt nghiệp, ông mân mê mãi tấm bằng cử nhân của con, đầy mãn nguyện. Đêm đó, hai cha con không ngủ được. Ông trở mình, thở dài rồi chần chừ hỏi: “Con học xong rồi, ba về quê được không?”. Thằng Hải “dạ” mà nước mắt ứa ra. Nó biết ba chẳng thích thú gì nơi đô thị chật chội, đắt đỏ này, ông gượng ở đây mấy năm qua là vì nó. Hoàn thành nhiệm vụ, giờ đây, có lẽ ông muốn sống cuộc đời thanh nhàn ở quê nhà lồng lộng gió biển.
Không giống như Hải nghĩ, ba chỉ về quê được vài bữa thì khăn gói lên tàu ra Quảng Trị. Ông day dứt vì vẫn để đồng đội lạnh lẽo ở chiến trường xưa quá lâu. Nghe cha thổ lộ, Hải nổi gai ốc đến tận đỉnh đầu, nhớ đến nhiều đêm bị đánh thức bởi cơn mộng du của ông. Ông bật dậy giữa đêm, những ngón tay co quắp cố duỗi ra, trán lấm tấm mồ hôi, gào lên giục giã: “Úp bát tô đã rồi mới băng vào chứ, thằng Tuấn lủng ruột rồi, nhanh lên không nó chết mất!”.
Dù chẳng mang một mảnh đạn lạc trong thân thể như những người lính khác trở về, ba của Hải tưởng lành lặn mà có vết thương vô hình, hình thành từ bao mất mát. Nếu không phải làm tròn trách nhiệm của một người cha, chắc ông đã rong ruổi theo những manh mối nhạt nhòa. Biết đâu, ông đã mang về được nắm tro tàn màu xám ngoét nhưng đủ để làm nhẹ bẫng tâm can, kết thúc nỗi buồn và những giấc mơ dài vô tận.
Cuối cùng, sát ngày cưới Hải, ba nó cũng trở về nhà với gương mặt vêu vao, trắng bủng vì cắm trại ròng rã nhiều ngày trong rừng già. Ông lắc đầu, buồn bã: “Tìm được hài cốt mấy người khác, nhưng chú Tuấn vẫn chưa con ạ”.
Hải lấy vợ cùng quê, ở đây, người ta hay rước dâu bằng xe máy. Hôm đó, ba Hải ngồi chòng chành sau xe anh Hai, đường xóc, ống quần tây của ông tớn lên ngang ống chân. Tôi phát hiện ra ông quên mang vớ. Lúc đứng lên phát biểu ở nhà gái, ông lại lắp bắp thiếu sót vài câu trong tờ giấy đã soạn sẵn. Nhớ về giây phút đó, Hải bảo chỉ thấy xót xa. Bạn tôi nhận ra cha mình đã già đi nhiều, mà người già thì lãng đãng hay quên, chỉ đủ sức nhớ một tâm nguyện còn dang dở trong đời.