Ngày càng nhiều “ông đạo” trong văn học

Ngày càng nhiều “ông đạo” trong văn học

Ngày 29-3 vừa qua, Bộ Khoa học-Công nghệ cùng 6 bộ ngành liên quan đã tổ chức tổng kết một năm hợp tác chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Qua kiểm tra đã phát hiện gần 6.000 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hành chính hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ… còn việc cá nhân vi phạm quyền SHTT hay còn gọi là đạo văn thì “phong phú” và đa dạng hơn nhiều.


“Đạo” văn ngay giữa Văn Miếu

Ngày càng nhiều “ông đạo” trong văn học ảnh 1
Nhà văn Sơn Nam - tác giả của nhiều công trình khảo cứu thường bị “đạo”

Trên cây thơ của mình trong Ngày thơ VN lần thứ 5 viết về một nhà thơ nổi tiếng trước đây được dựng tại sân Văn Miếu, nhà thơ nữ P.H.T đã “bê” nguyên xi nội dung bài viết (chính xác đến từng câu, từng chữ) về nhà thơ này của hai tác giả Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc mà không “chua” một dòng nào về tên tác giả cũng như dẫn nguồn tham khảo.

Sự việc sau đó bị phát hiện khiến dư luận cũng như cộng đồng thơ VN  phản ứng dữ dội. Và cô nhà thơ trẻ này đã chính thức gửi thư xin lỗi đến hai tác giả trên. Nhà thơ P.H.T. đã tự nhận rằng đây là sự “thiếu bản lĩnh và hiểu biết” của mình về việc đánh giá một nhà thơ mà cô ngưỡng mộ. Đây là sự kiện nóng nhất nhưng không phải duy nhất.
 
Gần đây bạn bè, thân hữu trong giới nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà biên soạn từ điển với đầy đủ học hàm, học vị… bỗng lôi nhau ra tòa “hơi nhiều” vì “đạo” tác phẩm, công trình của nhau.

Như giữa năm 2006, nhà Kiều học N.Q.T. (81 tuổi) đã đứng nguyên đơn kiện PGS-TS Đ.T.T. (63 tuổi) vì cho rằng ông đã sử dụng 4 tác phẩm báo chí của mình để xuất bản công trình “Văn bản truyện Kiều-Nghiên cứu và thảo luận” và đòi bồi thường thiệt hại 75 triệu đồng. Sự việc này đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Rồi đến tháng 12-2006, dư luận học thuật văn hóa VN lại ồn ào trước công trình Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian VN của PGS-TS N.C.B. (NXB Khoa học-Xã hội phát hành). Vị trí thức này vốn dĩ đã “có vấn đề” vì có tên trong danh sách các tác giả của công trình “đạo văn” Cơ sở văn hóa VN (đã tái bản hàng chục lần trong hàng chục năm qua).

Và lạ thay, dư luận có vẻ… đúng khi hàng loạt bài viết của ông trong Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian VN đều có… chỗ giống đến 80%, 90%. Gần đây, Cục Bản quyền lại đang xử lý vụ kiện tác quyền giữa nguyên đơn là họa sĩ Văn Thơ và bị đơn là Tổ dự án sông Hồng VN.

Theo họa sĩ Văn Thơ, ý tưởng quy hoạch sông Hồng của ông trong hai đề án Thành phố sông Hồng và Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống, đoạn chảy qua thủ đô Hà Nội (đã được Cục Bản quyền cấp giấy phép tháng 11-2005 và 5-2006), đã bị Tổ dự án “cuỗm” mất. Cục đã yêu cầu Tổ dự án phải giải trình việc này trong thời gian sớm nhất.


Vì sao, vì sao và vì sao?

Vì sao hiện nay việc đạo văn, đạo công trình nghiên cứu, ý tưởng… lại diễn ra một cách “sâu rộng và phổ biến” không chỉ trong giới sinh viên học sinh, giới sáng tạo nghệ thuật mà còn cả trong giới được coi là hàn lâm với học hàm và học vị cao chót vót? Đi tìm câu trả lời cho hiện tượng xã hội này quả là không dễ nhưng theo thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh thì “dường như sợi dây mắc cỡ của nhiều giới, nhiều thành phần trong xã hội đã đứt rồi”.

Bà Oanh giải thích thêm, nhiều mối quan hệ xã hội hiện nay không đặt sự minh bạch trung thực lên hàng đầu, do đó, hiện tượng “đạo” phổ biến là một hệ quả tất yếu. Khi mà cái “giả” (cái gì cũng có thể giả được với cái giá nào đó) lên ngôi thì sự chính danh sẽ không còn giá trị và cần thiết nữa, cho cả cá nhân và xã hội.

Riêng về khía cạnh pháp luật, quan hệ giữa sự tự ý thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tác phẩm, công trình và hệ thống luật, “lệ”, cơ quan bảo vệ và thực thi, hệ thống chế tài… vẫn luôn có khoảng cách đáng kể, nói nôm na là “chưa đi vào cuộc sống”. Về phía chủ sở hữu tác phẩm, hiếm có ai trong giới sáng tác nghệ thuật đã đem tác phẩm sáng tạo, dịch thuật của mình đi đăng ký quyền sở hữu tác giả, tác phẩm.

Khách quan mà nói, tình hình này chủ yếu là do “lười” và do “ngán” hệ thống hành chính công vụ hiện hành. Rồi khi sự việc xâm phạm quyền tác giả, quyền SHTT xảy ra lại ngại đưa ra “công đường” cũng vì tâm lý “được vạ thì má đã sưng”, ngại lời ong tiếng ve, dư luận xầm xì. Thôi thì âm thầm chịu đựng cho xong.

Còn một nguyên nhân rất “hồn nhiên” khác cũng phổ biến trong giới “đạo” nữa là cứ nhắm đến các tiểu luận, công trình của một tác giả xa xưa nào đó, tốt nhất là những tác phẩm được xuất bản trước năm 1975, tác giả đã mất hoặc định cư ở nước ngoài để… “đạo”. Sách bây giờ hàng hà sa số, mấy ai đọc hết để biết là ai đạo ai (?).

Ngay cả nhà văn Sơn Nam hiện vẫn đang sống sờ sờ ở TPHCM ấy vậy mà những tác phẩm biên khảo của ông về Nam bộ và Sài Gòn xưa vẫn luôn có mặt trong các luận án tốt nghiệp sử học, dân tộc học và xã hội học và vẫn luôn được chấm “tốt nghiệp xuất sắc”.

Đâu là giải pháp?

Trong nhiều hội thảo về quyền tác giả và thực thi quyền SHTT gần đây, những bất cập và sự “vênh” nhau trong việc triển khai và cải cách hệ thống thực thi pháp luật cũng đã được mổ xẻ và nhìn nhận thấu đáo. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đưa ra một lộ trình cải cách để pháp luật gắn với quyền lợi của tổ chức, cá nhân sở hữu hợp pháp nhưng lộ trình đó là bao xa, bao gần thì không ai có thể đưa ra con số cụ thể được.

Giải pháp ở đây vẫn là yếu tố con người. Quan hệ lý tưởng nhất giữa cá nhân, xã hội và pháp luật vẫn là công thức: nếu tôi thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân thì tôi phải (và bắt buộc) được xã hội và luật pháp bảo vệ. Và cả hai phía đều phải coi đó là chuyện của mình.

Hiện hệ thống bảo vệ tác quyền và SHTT của VN cũng đã tương đối đầy đủ với việc tham gia các công ước quốc tế và hòa vào mạng hệ thống luật pháp thế giới và hệ thống này nếu vận hành cho “khớp” thì chuyện “đạo” chắc sẽ không “đại trà” như hiện nay. Vấn đề ở chỗ, các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật có coi đây là “chuyện của mình” một cách triệt để hay không?

QUỐC ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục