
Hôm qua (13-7), ngày họp đầu tiên, kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa VIII đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Các đại biểu (ĐB) đã thảo luận sâu hàng loạt vấn đề “nóng” về những tồn tại của ngành y tế TP, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề đình công - lãn công, giải pháp nâng cao đời sống người lao động…

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
- Chủ động ngăn ngừa tranh chấp lao động
ĐB Lê Mạnh Hà đặt vấn đề: “Tranh chấp, xung đột lao động nguyên nhân chính là do thu nhập người lao động không theo kịp mặt bằng giá cả. Hiện nay, khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp mới đáp ứng yêu cầu người lao động”. Theo ĐB Lê Mạnh Hà, nên chủ động rà soát doanh nghiệp nào đang trả lương thấp so với mặt bằng chung thì yêu cầu nâng lương, tránh xảy ra tranh chấp mới giải quyết, sẽ gây tổn hại lớn. “Trách nhiệm này của ĐB HĐND, các ngành, các cấp”, ông Hà nói.
ĐB Phạm Hiếu Nghĩa cho rằng: Nhà nước đã tăng lương tối thiểu cho công nhân nhưng không thể thực hiện mức lương xơ cứng giữa công nhân sống tại TPHCM và các tỉnh vì công nhân tại TP chịu nhiều chi phí, luôn đối diện với thiếu thốn. “Nếu xơ cứng, cào bằng trong việc trả lương cho công nhân TP như công nhân tại các tỉnh thì bài toán khó khăn về lương đối với công nhân tại TPHCM sẽ không có lối ra”, ĐB Nghĩa nói.
ĐB Nguyễn Quý Hòa đề nghị: “Tình hình trượt giá hiện nay khiến đời sống công nhân phải đối diện với quá nhiều khó khăn, đề xuất Thường trực HĐND TP thực hiện chương trình giám sát về các chế độ chăm lo công nhân tại các doanh nghiệp. Tùy theo năng lực của mình, doanh nghiệp nên trả lương tốt nhất cho công nhân trong điều kiện có thể”. Ông Hòa phân tích thêm: Ngược lại, người lao động cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tham gia sản xuất để tăng năng suất lao động. Nhà nước tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp cũng là hình thức ổn định đời sống người lao động.

Các đại biểu HĐND TPHCM thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG
- Giải quyết việc quá tải ở các bệnh viện
Nhiều tồn tại, bất cập trong ngành y tế được “mổ xẻ”. Theo ĐB Tăng Chí Thượng, quá tải tại các bệnh viện đang là bức xúc hàng đầu của ngành y tế và đề nghị HĐND TPHCM cần ban hành nghị quyết đưa ra giải pháp, lộ trình giải quyết thực trạng này. Bình ổn giá thuốc là chương trình hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Quý Hòa, có bệnh viện bác sĩ kê toa cho bệnh nhân toàn là những loại thuốc không nằm trong danh mục bình ổn giá! “Chúng ta nên làm thực chất, nếu không chương trình sẽ không tạo hiệu quả”, ĐB Hòa nói. Một ĐB khác đề xuất ngành y tế cần nghiên cứu đặt các điểm bán những loại thuốc bình ổn giá ở những điểm hợp lý để phục vụ người lao động, người nghèo.
ĐB Nguyễn Văn Sen phản ánh: Năm 2011, TP chọn là năm vì trẻ em nhưng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay có đến 16 trẻ em chết do bệnh tay-chân-miệng, trong khi năm 2010 chỉ có một trường hợp tử vong, vì sao? Đề cập đến bảo hiểm y tế tự nguyện, ĐB Tăng Chí Thượng cho rằng: Cử tri phản ánh bảo hiểm y tế tự nguyện đòi hỏi người mua phải có hộ khẩu thường trú nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động nghèo có hộ khẩu tạm trú hoặc di chuyển nhiều nơi nên rất khó tiếp cận BHYT tự nguyện. Vì vậy, cần nghiên cứu giải quyết, tháo gỡ kịp thời trở ngại này.
- An toàn thực phẩm - dựng hàng rào kiểm soát
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được bàn sâu. ĐB Võ Văn Sen nói: Hiện nay chúng ta buông lỏng quản lý VSATTP trong rất nhiều khâu. đơn cử, lượng rau từ ngoại thành về nội thành cũng chưa được kiểm tra kỹ. HĐND TP phải chất vấn UBND TP trong các giải pháp giải quyết thực trạng trên. Trong đó phải chú trọng tính đồng bộ trong tăng cường nhận thức cho người dân bên cạnh việc siết chặt quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. “Đã đến lúc phải xây dựng hàng rào kiểm soát quyết liệt vấn đề VSATTP, ngăn chặn từ nước ngoài, từ các tỉnh vào”, ĐB Lê Mạnh Hà đề xuất.

Đời sống công nhân cần được nâng cao hơn. (Trong ảnh: Công nhân sản xuất da giày) Ảnh: VIỆT DŨNG
ĐB Văn Đức Mười nói thêm: Có công cụ kiểm soát nhưng nhận thức người tiêu dùng không cao thì người dân vẫn mua, vẫn sử dụng sản phẩm không an toàn. Khi có nhận thức, người dân tự nhận biết và sử dụng mặt hàng nào có chất lượng tốt và tẩy chay mặt hàng kém chất lượng, tự khắc doanh nghiệp đó sẽ chết, sản phẩm đó bị đào thải. Cần nâng cao nhận thức người dân vì hiện nay họ chỉ tự trang bị là chính.
VÂN ANH – HỒNG HIỆP
| |