Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 - Đẩy mạnh hợp tác vì phát triển, hòa bình, thịnh vượng

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, trong ngày làm việc thứ 2 (29-10), hàng loạt các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác khu vực và quốc tế đã diễn ra.
Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 - Đẩy mạnh hợp tác vì phát triển, hòa bình, thịnh vượng

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, trong ngày làm việc thứ 2 (29-10), hàng loạt các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác khu vực và quốc tế đã diễn ra.

  • Lập quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3

Trung Quốc gặp gỡ Ấn Độ, Nhật Bản

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan khác diễn ra tại Hà Nội, ngày 29-10, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong  nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước vốn căng thẳng từ cuối năm 2009 xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

* Cũng nhân dịp này, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Hai nước đã đồng ý việc cải thiện quan hệ nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương cũng như đa phương giữa Trung Quốc, Nhật Bản với các nước, các tổ chức khác.

Ngoại trưởng hai nước cũng đề cập các vấn đề như: mua bán đất hiếm, căng thẳng trên biển, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên...

Hàng loạt các nội dung trong Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã được các nguyên thủ, nhà lãnh đạo dự hội nghị đưa ra bàn thảo.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak.

Tại đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của các nội dung hợp tác trong ASEAN và các nước đối tác là hướng tới mục tiêu không ngừng tập trung chăm lo nâng cao đời sống người dân.

Về định hướng tương lai, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, nhất là Kế hoạch công tác Hợp tác ASEAN+3; tăng cường hợp tác sâu rộng hơn về các vấn đề tài chính - tiền tệ; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải và phát triển cơ sở hạ tầng ở cả hai cấp độ song phương và khu vực, tạo dựng sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn ở khu vực để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Các bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác để thiết thực đối phó với những thách thức toàn cầu như an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, sự suy thoái về môi trường, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm… đồng thời đẩy mạnh trao đổi văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân nhằm củng cố và thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết và gắn bó giữa những người dân trong khu vực và tạo nên một bản sắc và ý thức khu vực.

Chiều ngày 29-10, ông Trần Ngọc An, người phát ngôn của các hội nghị ASEAN tại Hà Nội thông báo, song song với việc xem xét Kế hoạch Đối tác toàn diện Đông Á, các nhà lãnh đạo dự Hội nghị ASEAN+3 đã thống nhất thí điểm lập Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 nhằm bảo đảm an ninh lương thực…

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) lần thứ 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) lần thứ 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 chủ trì hội nghị.

  • Những đối tác chiến lược năng động

Ngày 29-10-2010, tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các đối tác diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Các nhà lãnh đạo đều hài lòng về quá trình hợp tác với những bước phát triển mạnh mẽ và thiết thực trong năm qua. Trong đó, quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và năng động nhất. Nổi bật nhất là việc triển khai Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và các hiệp định liên quan từ ngày 1-1-2010. Trung Quốc hiện trở thành Đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với thương mại hai chiều đạt trên 200 tỷ USD.

Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các thỏa thuận trong khuôn khổ ACFTA, trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 500 tỷ USD và tăng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN lên 10 tỷ USD vào năm 2015.

Hai bên cũng tiếp tục đẩy mạnh trao đổi và triển khai các dự án do Trung Quốc hỗ trợ như Quỹ tín dụng trị giá 15 tỷ USD và Quỹ hợp tác đầu tư ASEAN - Trung Quốc trị giá 10 tỷ USD. ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc chụp ảnh chung

Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc chụp ảnh chung

ASEAN đánh giá cao vai trò của Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật (JAIF), trong đó có việc sớm triển khai các cam kết hỗ trợ ASEAN, nhất là khoản 62 triệu USD trợ giúp khẩn cấp đối phó với khủng hoảng tài chính cho khu vực ASEAN.

Đối với Hàn Quốc, ASEAN và Hàn Quốc khẳng định cam kết nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015.  Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh Sáng kiến của Hàn Quốc về tăng trưởng xanh ít cácbon nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững. 

Văn Nghĩa

Những cam kết đáng chú ý

  • Thúc đẩy thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực; tuân thủ và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc cũng như đẩy mạnh hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt.

  • Hướng tới Mekong xanh

Tại hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ hai, lãnh đạo các nước đã nhất trí thông qua chương trình hành động triển khai sáng kiến “Hướng tới một thập kỷ Mekong xanh”. Theo đó, các bên sẽ hợp tác bảo tồn môi trường để khu vực Mekong có thể đạt được mục tiêu nhiều cây xanh, đa dạng sinh học và có khả năng chống chọi với thiên tai bằng nhiều biện pháp, trong đó có trồng rừng.

  • Ký kết Nghị định thư sửa đổi Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

Ngày 29-10-2010, Nghị định thư sửa đổi Quy tắc thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ thuộc Hiệp định Thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã được Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ACFTA ký kết nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 tại Hà Nội.

Việc sửa đổi những quy định này sẽ góp phần tạo thuận lợi thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn, bất cập thường gặp phải trước đây như các quy định không chấp nhận C/O có hóa đơn do nước thứ ba phát hành, C/O giáp lưng. Quy tắc sửa đổi này sẽ bắt đầu thực hiện kể từ ngày 1-1-2011.

  • Thành lập Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc - ASEAN

Ngày 29-10, tại Hà Nội, cũng đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định khung thành lập và Hội nghị thường niên lần thứ nhất của Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc – ASEAN (CAIBA). Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng duy nhất của Việt Nam được mời tham gia hiệp hội và là đồng tổ chức hội nghị cùng với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).

B.VÂN - M.GIANG

Chân dung Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Chân dung Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Thông tin liên quan:

>> Hôm nay (28-10): Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17

>> Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17: Cần giải pháp tạo chuyển biến về “văn hóa thực thi”

>> Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm Việt Nam: LHQ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam tham gia sâu rộng các vấn đề quốc tế

Tin cùng chuyên mục