Ngày 16-8, hàng chục ngàn người ủng hộ lời kêu gọi “Ngày nổi giận” của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã xuống đường trên khắp Ai Cập biểu tình để phản đối vụ trấn áp của lực lượng an ninh nước này, khiến gần 40 người chết (trước đó, ngày 14-8 đã có hơn 600 người thiệt mạng bởi các cuộc biểu tình).
Còn đổ máu
Sức nóng của “Ngày nổi giận” tại quốc gia Bắc Phi thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế thể hiện rất rõ qua việc trang tin của các hãng thông tấn lớn như AP, Reuters, BBC tối 16-8 đồng loạt truyền trực tiếp diễn biến cuộc biểu tình từ Ai Cập. Hàng chục ngàn người biểu tình hô vang yêu cầu Tư lệnh quân đội Ai Cập - Tướng Abdel Fattah al-Sisi - từ chức, đồng thời phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Theo AP, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trên cả Ai Cập sau khi người biểu tình đã xô xát với lực lượng an ninh.
Quân đội Ai Cập đã triển khai xe thiết giáp tại các con đường chính xung quanh thủ đô Cairo. Bộ Nội vụ Ai Cập tuyên bố lực lượng an ninh có thể bắn bất cứ ai tấn công nhân viên an ninh và các tòa nhà của chính phủ. Tại Cairo, tiếng súng nổ xuất hiện quanh khu vực quảng trường Rames, nơi người biểu tình tập trung chính.
Một nhân chứng cho biết 13 người đã thiệt mạng, nhiều người bị thương sau khi cảnh sát bắn vào người biểu tình.
Michael Hanna, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Quỹ Thế kỷ (Mỹ) cho rằng việc Chính phủ Ai Cập tiếp tục sử dụng “bàn tay sắt”, tiến hành các biện pháp đàn áp khắc nghiệt đã hủy hoại triển vọng về một thỏa hiệp trong tương lai gần giữa chính quyền với những người ủng hộ ông Morsi. Thậm chí, Ai Cập khó có thể tránh khỏi việc phải chứng kiến thêm nhiều vụ trấn áp tương tự trong tương lai.
Nhà phân tích Nabil Abdel Fattah tại Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Ahram nhận định, biểu tình và tuần hành tại nhiều thành phố vẫn tiếp tục. Những người ủng hộ ông Morsi sẽ tìm mọi cách để chứng minh chính quyền lâm thời không thể kiểm soát nổi đất nước, và khẳng định Tổ chức Anh em Hồi giáo mới là lực lượng quyền lực và được lòng dân nhất tại Ai Cập.
Đồng minh không còn nhiều ảnh hưởng
Theo một số chuyên gia, đáng lo ngại nhất trong làn sóng bạo lực mới này là việc quân đội Ai Cập cứng rắn, mạnh tay với những người biểu tình, bất chấp việc Mỹ và các nước phương Tây, những đồng minh thân cận, lên tiếng yêu cầu chấm dứt trấn áp. Mỹ và các nước phương Tây là những nhà tài trợ cho Ai Cập trong suốt nhiều năm qua. Để giải thích cho sự tự tin của quân đội Ai Cập, tờ Thời báo tài chính của Anh cho biết hiện quân đội của Ai Cập có sự ủng hộ của Saudi Arabia và phần lớn các nước trong vùng Vịnh.
Chỉ vài giờ sau khi lật đổ ông Morsi, lãnh đạo các nước vùng Vịnh đứng đầu là Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đã hoan nghênh việc quân đội Ai Cập tiếp quản chính quyền. Trong vòng một ngày, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Kuwait đã nhất trí viện trợ tổng cộng 12 tỷ USD cho Ai Cập, một khoản tiền gấp gần 10 lần viện trợ của Mỹ trong năm 2013, nhiều hơn cả khoản tiền mà Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ cho Tổ chức Anh em Hồi giáo. Chính vì vậy, việc một số quốc gia phương Tây dọa sẽ cắt viện trợ không khiến quân đội Ai Cập mảy may lo sợ.
Ngoài ra, một yếu tố cũng khá quan trọng đó là chủ nghĩa dân túy của quân đội đã nhận được sự ủng hộ trở lại ở Ai Cập. Trước những hành động của vị Tư lệnh quân đội Ai Cập - Tướng Abdel Fattah al-Sisi - kể từ sau cuộc đảo chính có thể cho thấy ông ta được làn sóng ủng hộ của dân chúng đối với quân đội.
Quy mô của các cuộc biểu tình phản đối ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo trước khi cuộc đảo chính diễn ra cũng như lời kêu gọi từ những người theo chủ nghĩa tự do, những người thuộc cánh tả, những người theo chủ nghĩa dân tộc và những thanh niên thế tục đề nghị quân đội thực hiện trách nhiệm yêu nước của mình cũng đã củng cố thêm cảm nhận của ông Sisi.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> Ai Cập chìm trong làn sóng bạo lực mới