Thấm thoát, đã 8 lần Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại TPHCM. Những người yêu thơ không thể quên những lần bạn thơ tay bắt mặt mừng gặp nhau, đọc cho nhau từng câu thơ mới của mình trước cửa Bảo tàng lịch sử TPHCM hay khi những bạn thơ gật gù bên chén trà, ngâm thơ dưới bóng cây cổ thụ nơi công viên Bách Tùng Diệp.
Chỉ ở ngày thơ, người ta mới thấy người TP yêu thơ. Thơ không phân biệt tuổi tác, bạn thơ có thể là một cụ ông lập cập cây gậy, rụt rè đưa ra một tập thơ mà nét chữ đã run. Bạn thơ cũng có thể là một cô cậu bé thế hệ 9X, ngượng ngập, lúng túng không dám trình làng bài thơ của mình. Tất cả đều như nhau, trong ngày thơ người yêu thơ đều bình đẳng như nhau trước thơ.
Ngày thơ lần thứ 8 tại TPHCM năm nay có nhiều cái khác. Trước hết ngày thơ được tổ chức sớm so với cả nước, lý do thì cho đến giờ này vẫn chẳng ai hiểu tại sao. Thứ hai là thơ năm nay được đưa vào sân khấu lớn và trang nghiêm nhất TP nhưng thực tế cho thấy nhà hát chưa hẳn là nơi lý tưởng dành cho thơ. Ít có sự gần gũi giao lưu với nhau, đâu còn những chiếu thơ nơi nhà thơ đàm đạo về thơ, về đời. Đâu còn những lều thơ, vườn thơ trưng bày thơ. Chỉ còn là một sân khấu, nơi thơ được sân khấu hóa, hoành tráng có, lộng lẫy có, đẹp mắt có, vừa tai cũng có nhưng không có chất thơ, thiếu vắng không khí thơ, điều mà mọi năm người yêu thơ vẫn chờ đợi trong ngày thơ. Bây giờ, chỉ có những nhà thơ nghiêm trang, lịch sự ngồi im lặng xem người ta đọc thơ, biểu diễn thơ trên sân khấu như đang xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật nào khác.
Nhưng cái gì cũng phải có lần đầu, những người tổ chức cũng chỉ mong muốn thay đổi không khí, tìm kiếm điều hay nhất cho thơ. Sân khấu hóa thơ cũng không hẳn là dở, ít nhất Ngày thơ TP năm nay cũng rực rỡ hơn mọi năm. Người yêu thơ, dù lặng lẽ ngồi xem, dù lặng lẽ ra về hay trò chuyện với nhau sau hàng cột nhà hát thì tất cả cũng phải đồng ý rằng, trong hoàn cảnh nào lòng yêu thơ của các nhà thơ vẫn không suy giảm.
Thật bất ngờ khi gây ấn tượng nhất lại là các CLB thơ quận huyện, những nơi vốn được xem là chỉ dành cho thơ phong trào. Các nhà thơ ở những đơn vị này khi tham dự đều rất nhiệt tình. Thơ của họ có thể không xuất sắc nhưng sự chuẩn bị, lòng đam mê thì không thua kém bất cứ ai. Hiểu rõ thơ biểu diễn sân khấu hóa khó khăn nên nhiều đoàn đã kỳ công chuyển thơ qua các loại hình sân khấu khác như chèo, hát xẩm, kịch thơ… Không những thế, họ còn mời cả nghệ sĩ chuyên nghiệp đạo diễn, phụ diễn nhằm gây ấn tượng mạnh nơi khán giả. Thơ sinh viên, vốn lần đầu được đưa chính thức vào ngày thơ TP cũng cho thấy lòng yêu thơ nơi các bạn trẻ. Dù còn lúng túng khi lần đầu lên sân khấu nhưng họ đã chứng tỏ sự nghiêm túc trong chuẩn bị với các hoạt cảnh, trang phục và nhất là lựa chọn thơ.
Được quan tâm, được chờ đợi nhưng cũng gây thất vọng nhất lại chính là thơ trẻ, dòng thơ luôn được hy vọng gây ngạc nhiên, tiếng vang trong ngày thơ. Thơ trẻ năm nay được chọn mở đầu ngày thơ nhưng những gì bạn thơ chứng khiến chỉ là sự uể oải, gượng ép của các nhà thơ trẻ. Có lẽ, chỉ có mỗi phần mở đầu đầy hào khí của nhà thơ Phan Hoàng với bài thơ Bước gió kỳ diệu là còn có sinh khí. Các nhà thơ trẻ khác như đang cố hoàn thành trách nhiệm được giao. Lần lượt, từng người theo lời mời của MC bước lên sân khấu. Những thông tin chính thì MC đã nói giúp, lời tâm sự mà mọi người chờ đợi thì các nhà thơ chỉ ầm ừ cho qua. Sau đó là đọc thơ, mỗi nhà thơ như một học sinh, trả thuộc lòng bài thơ của chính mình (có người còn không thuộc), trả thật nhanh để rồi bước xuống. Đọc thơ cho nhau nghe? Không phải, nhiều khán giả còn chưa kịp nghe nhà thơ đọc gì nói đâu đến việc cảm thụ. Biểu diễn thơ? Cũng không, nhiều nhà thơ đọc như máy lấy đâu sự trầm bổng, du dương của ngâm thơ.
Nếu nói ngày thơ TPHCM thiếu không khí thơ nhưng bù lại còn có chất sân khấu, sự hoành tráng và lộng lẫy thì thơ trẻ chẳng có gì đọng lại. Có chăng chỉ đọng lại nỗi thất vọng về một sự nhạt nhòa.
Nỗi buồn dù sao cũng qua, sự thất vọng dần dần sẽ lắng xuống. Những người yêu thơ lại chờ đợi ngày thơ kế tiếp. Chỉ mong rằng ngày thơ sau sẽ là niềm vui, sự hy vọng sẽ được bù đắp lại.
Tường Vy