Ngày 3-6, các thí sinh đã hoàn tất 2 môn thi Địa lý và Sinh học. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ngày thi thứ 2 có số thí sinh đến dự thi là 942.670, đạt 99,64% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Như vậy, ngày thứ 2 có thêm 305 em bỏ thi.
Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Đề thi các môn Địa lý và Sinh học có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức thí sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân loại trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi môn Địa lý có câu hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo, khơi gợi được sự hiểu biết và ý thức về chủ quyền dân tộc, có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với các thí sinh dự kỳ thi năm nay mà còn đối với thế hệ trẻ sau này.
Kết thúc buổi thi Địa lý, các thí sinh cho biết đề thi mang tính thời sự, đòi hỏi kiến thức xã hội. Theo đánh giá của các em, đề Địa lý tương đối bám sát chương trình. Phần lớn nội dung đề thi đều nằm trong chương trình và được thầy cô ôn tập kỹ. Ngoài nội dung chương trình học, một vấn đề thời sự khá nóng bỏng được đưa vào đề thi đó là biển đảo.
Thí sinh Nghiêm Thùy Linh, lớp 12A5 Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết rất hào hứng và không bất ngờ với nội dung biển đảo tiếp tục được đề cập đến trong đề thi Địa lý năm nay và em làm rất tốt câu hỏi này. “Với câu hỏi trên, nếu chỉ học trong sách giáo khoa các bạn vẫn có thể làm được nhưng không thể sâu sắc. Để làm thật tốt, đòi hỏi các bạn cần có kiến thức thực tế, cập nhật những thông tin trên các phương tiện truyền thông” - Linh chia sẻ.
Buổi chiều thi môn Sinh học, nhiều học sinh phấn khởi cho biết đề thi vừa sức, làm bài khá tốt. Theo thầy Trịnh Ngọc Thạch, giáo viên Trường THPT Gia Định TPHCM, đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 12, hợp với cấu trúc hướng dẫn ôn thi của Bộ GD-ĐT cũng như tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, muốn làm bài tốt học sinh phải học hết chương trình, không thể học tủ. Có một số câu trong đề thi nằm ở cuối chương trình nên có thể có một số học sinh bỏ qua, học không kỹ. Đề thi thể hiện sự phân loại học sinh, trong đó học sinh có sức học trung bình, khá có thể đạt điểm 5 - 7 và học lực giỏi mới có thể đạt điểm cao 9 - 10 nhưng rất ít.
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, qua ngày thứ 2 thi tốt nghiệp THPT, tình hình ở TPHCM tiếp tục diễn ra suôn sẻ, an toàn, không có bất kỳ trường hợp nào vi phạm quy chế thi, phải bỏ thi. Số học sinh thi hệ THPT vẫn đảm bảo sĩ số dự thi và chỉ có duy nhất một trường hợp bỏ thi đột xuất do bị bệnh truyền nhiễm. Đó là thí sinh N.M.D., học ở Trường THPT Trần Khai Nguyên, dự thi ở Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Sau khi thi xong môn văn ngày đầu tiên 2-6, thí sinh này có biểu hiện mệt, sốt cao và được gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Tuy nhiên, đến buổi chiều - thi môn Sinh học, em N.M.D. lo sợ, rời bệnh viện đến hội đồng thi khi chỉ còn ít phút kết thúc giờ làm bài. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, thí sinh này được xét đặc cách miễn thi tốt nghiệp nhưng do không nắm rõ quy định nên lo sợ.
| |
Bên lề
- Thầy cô “lều chõng” cùng thí sinh
Đó là trường hợp của nhóm 10 thầy cô giáo Trường THPT Cần Thạnh huyện Cần Giờ TPHCM (gồm 6 giáo viên chủ nhiệm, 3 tổ trưởng bộ môn và 1 phó hiệu trưởng). Cô Dương Thị Xuân Thẩm, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngoài việc đưa đón các thí sinh từ trường (xã Cần Thạnh) đến địa điểm thi (Hội đồng thi THPT An Nghĩa, xã An Thới Đông) cách hơn 30km, nhóm thầy cô này còn kiêm luôn công việc như những bảo mẫu: lo cơm nước, giấc ngủ, sức khỏe cho 222 học sinh của trường dự thi.
- Thí sinh teo tủy vẫn hoàn thành tốt bài thi
Đó là thí sinh Nguyễn Hữu Toàn, học sinh lớp 12.2 Trường THPT Tạ Quang Bửu, quận 8 TPHCM ở phòng thi số 34. Trong 2 ngày vừa qua, Toàn được mẹ chở đến trường, sau đó nhờ bạn bè hỗ trợ đưa vào phòng thi. Dù ngồi xe lăn nhưng Toàn vẫn hoàn thành 60% - 70% các câu hỏi. Cô Mai Thị Ba, mẹ của Toàn, cho biết em bị mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ nên bị liệt 2 chân, không thể tự đi đứng mà phải ngồi xe lăn. Dù bệnh tật nhưng em vẫn rất lạc quan, hòa đồng với bạn bè. Đặc biệt, học lực 12 năm liền luôn đạt loại khá trở lên. Nếu đậu tốt nghiệp, em sẽ tiếp tục kỳ thi đại học vào ngành CNTT của Trường ĐH Sài Gòn.
- Thí sinh tuổi 53
Thí sinh Ngô Minh Láng (53 tuổi, quê ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết: “Tôi hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tú 2, đã lên chức ông nội, ông ngoại rồi nhưng cũng ráng thi cho có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Thời trai trẻ, do hoàn cảnh nên tôi không được học tới nơi tới chốn, bây giờ ráng học và thi”. Ông Ngô Minh Láng đã tham dự 3 kỳ thi trước nhưng chưa đạt kết quả nên tiếp tục “dùi mài kinh sử” để thi cho đến khi nào đậu mới thôi.
- Đi thi để làm gương
Trưa 3-6, nhiều phóng viên thường trú tại Thừa Thiên - Huế túc trực trước cổng Hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) để phỏng vấn một số cán bộ xã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Trong đó, thí sinh Trần Thị Lụt, 43 tuổi và thí sinh Hồ Thị Tiêu, 51 tuổi, đều là người dân tộc Cơ Tu, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Sơn và Thượng Long của huyện Nam Đông. Các thí sinh này đều cho rằng, ngoài kinh nghiệm sống phải có bằng cấp thì nói bà con mới nghe. Theo học cấp 3 và đi thi tốt nghiệp cũng là một cách làm gương cho con em các thôn bản ra sức học tập.
Nhóm PV