Ngày xuân về đếm bậc cầu ao

Ngày xuân về đếm bậc cầu ao

Có lần về công tác ở một vùng quê, tôi nghe ai đó hát ru trong tiếng võng đưa kẽo kẹt: “Giã ơn cái cọc cầu ao/đi sớm về tối có tao có mày...”. Tôi nhớ ngày bé, bà tôi cũng thường hát ru anh em tôi câu này. Qua câu hát, cái cọc cầu ao hay cái cầu ao đã gắn liền với thân phận người nông dân xưa. Và tôi cũng có biết bao kỷ niệm vui buồn bên cái cầu ao ở ao nhà.

Mang nặng trong lòng những kỷ niệm về cái cầu ao đầy thi vị, những ngày nghỉ tết tôi về lại ngôi nhà xưa của cha mẹ. Khi tôi đưa cả gia đình lên sống ở thành phố, ngôi nhà đã sang nhượng cho ông chú. Trong hương xuân mênh mang, tôi về, ngõ hầu tìm lại điều tôi muốn: một cái cầu ao. Cầu ao có tiếng ai khỏa nước. Trước sân nhà tôi giờ vẫn còn một cái ao khi xưa. Cái ao ấy giờ đã thành ruộng rau cần. Tôi lững thững đi ra chỗ gốc cây sung già. Ngày xưa, cha tôi đã xây cái cầu ao ở đấy. Cái cầu ao gạch có nhiều bậc vẫn còn, duy chỉ có cây sung chỉ còn lại cái gốc. Từ cái gốc già nua đã vươn lên một cây sung khác, trẻ trung, thân cây mỡ màng, vươn thẳng. Tôi mừng rỡ như được gặp lại bạn tri âm đã xa cách lâu ngày.

Minh họa: BẢO TRÂM

Minh họa: BẢO TRÂM

Ngồi xuống bậc cầu ao cạnh gốc sung, tôi nhớ về thuở ấu thơ. Ngày xưa, cây sung ngả xuống mặt ao, có những cành lòa xòa chấm mặt nước. Đêm đêm, nghe tiếng cá đớp mồi trong đám lá ấy. Ao nhà tôi để thông ra cánh đồng nên vào mùa mưa, nước lúc nào cũng ăm ắp bờ. Về mùa hanh khô nước cạn gần tới đáy. Vì thế, cha tôi xây cầu ao rất lắm bậc. Khi cầu ao xây xong, tôi mới học lớp hai. Lúc ấy đã gần đến tết, nhà tôi vừa tát ao xong, chưa có nước vào nên tôi thích cái cầu ao xây, cứ chạy lên chạy xuống để đếm từng bậc mãi mà không nhớ. Tôi cảm thấy sung sướng y như nhà mình vừa xây xong một ngôi nhà. Thấy tôi leo lên leo xuống, dí ngón tay trỏ vào từng bậc một để đếm, cha tôi bật cười hỏi:

– Bao nhiêu bậc?

Tôi gãi tai:

– Bao nhiêu bậc nhỉ?

Rồi lại leo trở xuống đếm lại. Cứ thế, lên gần đến bậc trên cùng tôi lại quên, không nhớ cầu ao nhà mình có bao nhiêu bậc.

Nước ao nhà tôi trong lắm. Người đồng chiêm quê tôi thuở ấy chỉ dùng nước ao. Nước mưa hứng được từ cây cau chỉ đủ đựng vào chum, vại để nấu nước uống. Nhiều người trong xóm không có ao đều sang ao nhà tôi gánh nước về đổ vào bể để dùng. Trong số ấy có cô bé Liên cách nhà tôi mấy ngõ. Nhà chỉ có hai mẹ con. Bố Liên đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Liên thường theo mẹ sang nhà tôi gánh nước. Cô bé rất thích những bông hoa giong đao màu đỏ. Những bông hoa ấy nở đầy vườn nhà tôi. Lần nào cô bé theo mẹ sang cũng đòi tôi hái cho hoa giong đao trong vườn.

Thời gian trôi, tôi đi học xa nhà. Mỗi tuần tôi được về nhà một lần vào chiều thứ bảy. Đêm trăng sáng, tôi với mấy thằng bạn cùng xóm kéo nhau ra ngồi ở bậc cầu ao nhà tôi hóng mát, tán gẫu. Một tiếng chim ăn đêm lẻ bạn như rơi xuống từ thinh không làm cả bọn chợt im lặng. Thằng bạn ngồi bên rút cây sáo trúc dắt sau lưng đưa lên miệng thổi. Tiếng sáo trầm bổng véo von vút lên. Ánh trăng xanh ngời, rời rợi tỏa xuống cánh đồng mênh mang. Ánh trăng đổ xuống mặt ao đang gợn sóng lăn tăn như dát bạc. Chúng tôi cũng cảm thấy lòng mình mênh mang như cánh đồng ngoài kia vậy.

Một chiều thứ bảy từ nơi trọ học về. Vừa vào đến đầu sân, quẳng cái túi xuống hè nhà, tôi định chạy ra cầu ao rửa chân. Gần đến nơi, tôi sững lại vì ở bậc cầu ao sát mép nước có một người con gái đang đứng ngâm chân dưới nước, xõa tóc ra chải. Những sợi tóc đen, dài mượt mà như lụa đổ xuống tấm lưng thon thả. Tôi cứ đứng chôn chân ở đó ngắm suối tóc thướt tha mà không đoán ra ai đang đứng đó. Vừa lúc cha tôi từ ngoài ngõ đi về, thấy tôi đứng đó, ông hỏi:

– Con về rồi hả?

Tôi không lên tiếng chỉ gật đầu, miệng lúng búng như ngậm hột thị làm cha tôi chẳng hiểu ra sao, ông bật cười đi vào trong nhà. Người con gái đang chải tóc ở bậc cầu ao giật mình quay lại làm tôi lúng túng. Thì ra đó là Liên, cô bé theo mẹ đi gánh nước, đòi tôi hái cho những bông hoa giong đao năm nào. Tôi thấy hai tai nóng ran. Gương mặt Liên hồng lịm lên như màu cánh sen. Tự nhiên cả hai chúng tôi đều cảm thấy ngượng ngùng. Chúng tôi không biết mình đã lớn tự lúc nào. Những tháng ngày sau đó tôi và Liên hay tìm cớ để gặp nhau nhưng hễ đứng gần nhau lại thấy ngượng, không tự nhiên như trước. Những bậc cầu ao chứng kiến các cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi. Tôi đi học, rồi xa nhà nhiều năm, khi trở về mẹ con Liên đã không còn ở quê. Nghe nói hai mẹ con Liên vào Nam sống với người cậu. Rồi Liên lấy chồng là Việt kiều do mai mối. Tôi buồn và quyết định đưa cả nhà lên thành phố ở để cố quên đi những kỷ niệm xưa. Cái cầu ao cũng bị tôi Delete trong bộ nhớ. Nhưng bây giờ ngẫm ra tất cả những kỷ niệm vẫn còn mới nguyên trong bộ nhớ của tôi.
Ông chú thấy tôi lặng lẽ ngồi trên những bậc cầu ao cũ cũng thong thả ngồi xuống bên cạnh. Ông bảo:

– Cháu đang nghĩ gì vậy?

– Ngày xưa cháu cứ đếm đi đếm lại mãi vẫn không nhớ cầu ao nhà ta có mấy bậc. Bây giờ cũng vậy. Không biết nó còn mấy bậc dưới lớp bùn kia chú nhỉ?

Ông chú lắc đầu:

– Chú không để ý đếm bao giờ.

Nhưng không sao. Cầu ao vẫn còn. Gốc sung bên cạnh đã nảy thêm những chồi non mới. Mùa xuân mà lại! Tôi về đếm bậc cầu ao như đếm những kỷ niệm của mình.

HOÀNG PHƯƠNG NHÂM

Tin cùng chuyên mục