Cùng với xu thế phát triển xanh của thế giới, một thách thức lớn đã và đang được đặt ra là làm thế nào vừa cung cấp đủ việc làm cho thế hệ tương lai nhưng vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, giúp phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững. Và để giải quyết cân bằng thách thức trên, cần thiết phải “xanh hóa nghề nghiệp”. Đó cũng là những ý kiến được nhiều chuyên gia môi trường đồng thuận tại buổi tọa đàm “Nghề nghiệp xanh” vừa được tổ chức tại TPHCM.
Theo ông Thái Quang Trung, Giám đốc Tổ chức Thế giới xanh (Green World), kinh tế xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh. Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng các-bon và ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào.
Chúng ta có thể xúc tiến tăng trưởng mới ở nhiều mặt, nâng cao năng suất lao động và tạo thêm công ăn việc làm. Mặt khác, cần phải tăng cường năng lực cho bộ máy nhà nước ở các cấp về các kỹ năng phân tích thách thức.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế xanh. Điển hình như Việt Nam có thể chuyển các dự án bảo quản rừng thành các dự án mua bán khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính; đầu tư nâng cấp nông nghiệp gắn với hiện đại hóa nông thôn thành một nền kinh tế xanh. Trên thực tế, hoạt động sản xuất nông sản chất lượng cao sẽ giúp củng cố vị trí hàng đầu của Việt Nam trong kịch bản đối phó với khủng hoảng an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, ngư nghiệp, thủy sản cũng là một thế mạnh cần khai thác. Việc chế biến thực phẩm theo hướng sạch sẽ mở ra những triển vọng mậu dịch song phương với nhiều thị trường mới trên thế giới. Riêng trong lĩnh vực du lịch, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo đều là những lĩnh vực tiềm năng còn chưa được khai thác.
Trong việc đầu tư nâng cấp nông nghiệp gắn với hiện đại hóa nông thôn thành một nền kinh tế xanh, chúng ta phải áp dụng công nghệ hiện đại phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Chẳng hạn như áp dụng công nghệ sinh học không chỉ có lợi cho người nông dân về kinh tế mà còn giảm ô nhiễm môi trường nhờ tạo ra những giống có năng suất lớn, chất lượng cao và giảm được lượng thuốc trừ sâu, hóa học. Hay việc chế biến thực phẩm sạch sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng, bởi thực phẩm sạch vừa là cách để con người quay về với tự nhiên vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Phát triển năng lượng tái tạo cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Việt Nam, sử dụng năng lượng tự nhiên như năng lượng gió, ánh sáng, mặt trời, thủy triều… không chỉ có thể hạn chế được việc làm nguồn tài nguyên tiếp tục cạn kiệt như hiện nay mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, sinh hoạt, tạo thêm việc làm.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, trong tương lai, tính cạnh tranh của nền kinh tế xanh ở Việt Nam nằm chủ yếu ở những lĩnh vực xanh sẵn có. Tuy nhiên, để chuyển hướng sang nền kinh tế xanh cần tập trung ưu tiên nghiên cứu xây dựng những mô hình phát triển kinh tế - xã hội đặt trọng tâm vào phúc lợi cộng đồng, hạnh phúc con người, sức khỏe môi sinh.
Đặc biệt, về phía các cơ quan chức năng cần sớm tiếp cận những công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới, từ đó đầu tư vào giáo dục, từng bước xây dựng những ý thức hệ hướng đến phát triển bền vững.
MINH HẢI